Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp trên lâm sàng, xuất hiện ngày càng phổ biến, ở mọi lứa tuổi và giới tính nhưng thường gặp ở người trưởng thành. Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực vành đai sỏi (những vùng có tỷ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu cao) của thế giới. Theo thống kê của một số bệnh viện lớn cho thấy bệnh nhân điều trị sỏi tiết niệu chiếm khoảng 40 – 60% số bệnh nhân điều trị trong khoa tiết niệu. Bệnh lý sỏi tiết niệu nếu phát hiện muộn và không điều trị kịp thời sẽ gây ra tắc nghẽn đường tiết niệu và các biến chứng như tiểu máu, ứ nước thận, thận ứ mủ, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng huyết, suy thận cấp, suy thận mạn, gây ra gánh nặng cho gia đình và xã hội, đặc biệt khi chuyển sang giai đoạn suy thận mạn. Hầu như hiện nay chưa có thuốc hoá dược nào thật sự hiệu quả trong điều trị sỏi tiết niệu, đặc biệt là khả năng dự phòng tái phát sỏi.
Một trong những phương pháp dự phòng là sử dụng các loại dược thảo có tác dụng bài sỏi bởi phương pháp này an toàn, ít hoặc không tác dụng phụ, tác dụng lâu dài, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có và dễ dàng được chấp nhận ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Một số vị thuốc được dân gian sử dụng cũng như các nghiên cứu hiện đại chứng minh có tác dụng trên bệnh lý sỏi tiết niệu. Một số thực phẩm chức năng từ dược thảo hỗ trợ điều trị sỏi tiết niệu trên thị trường đã cho thấy sử dụng dược thảo trong dự phòng và điều trị sỏi tiết niệu là xu hướng hiện nay.
Chuối hột hay còn gọi là chuối hạt, chuối chát, có tên khoa học là Musa balbisiana Colla. Cây chuối hột có ở cả miền Bắc và miền Nam với đặc trưng là quả chứa nhiều hạt, được xem như là một vị thuốc. Các bộ phận của cây chuối hột đều được dân gian sử dụng trong chữa bệnh như chữa giun, sỏi đường tiết niệu, đau bụng kinh niên, kiết lị, sốt cao, ho ra máu, đau răng,…
Tuy nhiên, một số tác dụng chữa bệnh của chuối hột chỉ được sử dụng trong dân gian thông qua kinh nghiệm và truyền miệng, chưa được chứng minh tác dụng bằng các thực nghiệm khoa học. Các nghiên cứu hiện đại về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của chuối hột trên thế giới cũng còn khá hạn chế. Một số nghiên cứu cho thấy quả chuối hột có chứa polyphenol, flavonoid, saponin, coumarin, phytosterol, diterpenoid, đây cũng là những thành phần chủ yếu trong chi Musa.
Các nghiên cứu ban đầu tại Việt Nam trước đây cũng chứng minh quả chuối hột có tác dụng tan sỏi, lợi tiểu, hạ đường huyết. Hiện nay, quả chuối hột vẫn được các lương y sử dụng trong chữa bệnh. Tuy nhiên, trong 15 năm trở lại đây vẫn chưa có những nghiên cứu sâu về thành phần hoá học, tiêu chuẩn trong kiểm nghiệm nguyên liệu đầu vào cũng như tác dụng sinh học của quả chuối hột trong hỗ trợ điều trị bệnh.
Với đề tài nêu trên, nhóm tác giả tiến hành xây dựng tiêu chuẩn cơ sở dược liệu và cao chiết tiềm năng từ quả chuối hột góp phần phục vụ công tác kiểm nghiệm chất lượng dược liệu và nghiên cứu sâu hơn về thành phần hoá học, tác dụng sinh học cũng như việc sử dụng dược liệu này trong chữa bệnh. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu có hệ thống tác dụng sinh học từ in vitro đến in vivo của cao chiết từ quả chuối hột như ức chế tinh thể calci oxalat in vitro, kháng khuẩn, kháng viêm, kháng oxy hóa in vitro, tác dụng lợi tiểu và trên mô hình gây sỏi thực nghiệm.
Theo đó, đã xây dựng được quy trình chiết xuất cao chiết tiềm năng từ quả chuối hột. Sàng lọc in vitro cao chiết tiềm năng từ quả chuối hột cho thấy, chọn cao chiết ethanol 45% được chiết bằng phương pháp đun hồi lưu là cao chiết tiềm năng. Nguyên liệu và cao chiết tiềm năng từ quả chuối hột được tiểu chuẩn hóa theo Dược điển Việt Nam V cho thấy đạt yêu cầu về các chỉ tiêu “mất khối lượng do làm khô”, “tro toàn phần”, “tro không tan trong acid”. Hàm lượng polyphenol tổng theo chuẩn acid gallic trong nguyên liệu là 3,92mg GAE/g d.w.., trong cao chiết là 162,64mg GAE/g d.w..; hàm lượng flavonoid tổng theo chuẩn quercetin trong nguyên liệu và cao chiết lần lượt là 0,14 và 1,22mg QE/g d.w..
Nhóm tác giả cũng xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở nguyên liệu và cao chiết tiềm năng từ quả chuối hột về độ tinh khiết, định tính flavonoid bằng phản ứng hóa học và sắc ký lớp mỏng, định lượng polyphenol tổng và flavonoid toàn phần bằng phương pháp UV-Vis.
Đánh giá hoạt tính sinh học in vitro cao chiết tiềm năng và các cao chiết phân đoạn từ quả chuối hột theo hướng hỗ trợ phòng ngừa sỏi tiết niệu cho thấy, các cao chiết tiềm năng và cao chiết phân đoạn từ quả chuối hột thể hiện hoạt tính kháng sỏi (ức chế sự tạo mầm và kết tập tinh thể calci oxalat), kháng viêm (ức chế sự biến tính protein và ổn định màng tế bào hồng cầu), kháng khuẩn chống lại E. Coli, S. aureus, P. aeruginosa, kháng oxy hóa (thông qua khả nắng bắt gốc tự do DPPH, ABTS và tổng năng lực khử).
Đề tài cũng tiến hành khảo sát tác dụng lợi tiểu của cao chiết tiềm năng từ quả chuối hột trên mô hình chuột cống trắng bình thường. Kết quả cho thấy cao chiết tiềm năng từ quả chuối hột liều 0,8 và 1,6g/kg sau 7 ngày uống có tác dụng lợi tiểu thông qua làm tăng thể tích nước tiểu và nồng độ các ion điện giải (Na+, K+, Cl-). Cao chiết liều 1,6g/kg thể hiện tác dụng tốt hơn cao chiết liều 0,8g/kg và tương đương với thuốc đối chiếu Furosemide liều 10mg/kg.
Trên mô hình chuột cống trắng gây sỏi tiết niệu bởi ethylen glycol 0,75%, cao chiết tiềm năng từ quả chuối hột liều 0,8 và 1,6g/kg sau 28 ngày uống có tác dụng hỗ trợ điều trị sỏi tiết niệu. Trong đó, cao chiết liều 1,6g/kg có tác dụng điển hình hơn thông qua làm tăng thể tích nước tiểu, tăng nồng độ magie nước tiểu, giảm nồng độ calci nước tiểu, giảm nồng độ phospho, urea, creatinin máu và cải thiện mô bệnh học thận.
Các kết quả của đề tài cung cấp những dữ liệu khoa học tin cậy, làm tiền đề cho việc định hướng nghiên cứu và phát triển quả chuối hột trong hỗ trợ điều trị bệnh. Đồng thời cung cấp nhiều hơn những minh chứng khoa học của việc sử dụng quả chuối hột trong hỗ trợ điều trị sỏi tiết niệu. Từ đó định hướng cho việc trồng, nghiên cứu phát triển sản phẩm, góp phần phục vụ trong công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho người dân và nâng cao giá trị của cây chuối hột.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)