SpStinet - vwpChiTiet

 

Thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc thảo dược thân thiện môi trường

Chế phẩm sinh học Limo AZA 3.000EC chứa hoạt chất azadirachtin chiết xuất từ hạt cây neem (Azadirachta indica A. Juss) trồng ở Việt Nam sẽ được Viện Công nghệ Hóa sinh ứng dụng TP.HCM giới thiệu tại Techmart Công nghệ sinh học 2020 do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN tổ chức vào các ngày 5-6/11. 

Đây là một trong những sản phẩm của các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm (từ năm 2004 đến 2018) của Viện Công nghệ Hóa sinh ứng dụng TP.HCM nhằm phát triển các sản phẩm ứng dụng dầu neem và hoạt chất azadirachtin trong hạt neem.

GS.TS Trần Kim Qui (tác giả nghiên cứu) cho biết, chế phẩm Limo AZA 3.000EC (chứa 3.000 mg/kg hoạt chất azadirachtin dạng nhũ dầu đậm đặc EC) có tác dụng diệt trừ được các loài sâu rầy gây thiệt hại nhiều nhất cho các loại cây trồng như: sâu tơ Plutella xylostella phá hại cây thập tự; sâu xanh sọc trắng Diaphania indica phá hại cây dưa leo, bầu bí và cây ăn trái; sâu ăn tạp Sopodotera litura phá hại các loại rau cải; rầy mềm Aphis gossypii phá hại các loại bắp đậu; nhện đỏ Plumeria sp phá hại các loại hoa kiểng như cây sứ kiểng Thái Lan. Ngoài ra chế phẩm Limo AZA 3.000EC còn có tính lưu dẫn nên có tác dụng diệt được các loại sâu đục thân, đục quả mà các loại thuốc bảo vệ thực vật khác không thể diệt được.

Trên thế giới, hiện nay, các nhà hóa học không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm các loại thảo mộc mới có tác dụng diệt trừ sâu bệnh để bảo vệ hoa màu ngày càng hữu hiệu hơn, mà không làm ô nhiễm môi trường. Trong các loại thảo mộc được biết từ trước đến nay có thể dùng để điều chế thuốc bảo vệ thực vật, hạt cây neem có chứa hoạt chất azadirachtin thuộc loại tốt nhất, vì có phổ tác dụng rộng và mạnh và có sản lượng nhiều nhất, đủ để sản xuất thuốc trừ sâu quy mô công nghiệp.

Cây neem (còn gọi là cây xoan Ấn Độ, xoan chịu hạn, niembau, nimb, nimba,… tên khoa học là Azadirachta indica A. Juss thuộc họ xoan Meliaceae) xuất xứ từ Ấn Độ, được trồng đại trà thành rừng ở khắp nước này và là một nguồn lợi rất lớn của Ấn Độ. Tại Việt Nam, cây neem được GS. Lâm Công Định mang giống từ Senegal về trồng từ năm 1993, trên các vùng đất khô cằn thuộc huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận). Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của hai tỉnh này đã trồng được khoảng 2.000 ha rừng neem cho trái và có kế hoạch phát triển lên 3.000 ha vào năm 2022.

Qua dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật gốc thảo dược thân thiện với môi trường với hoạt chất azadirachtin chiết xuất từ hạt cây neem Azadirachta indica A. Juss trồng ở Việt Nam” (đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu), Viện Công nghệ Hóa sinh ứng dụng TP.HCM đã sản xuất được chế phẩm Limo AZA 3.000EC. Chế phẩm gồm các thành phần (đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng/kỹ thuật của thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Hiệp hội Thuốc Sát trùng thế giới CIPAC): hoạt chất azadirachtin limonoid (AZL) 3,0%; chất làm bền (ngăn chặn tia UV tác động vào thuốc); chất tạo nhũ đậm đặc (EC); chất tăng hoạt sinh học; dung môi hydrocarbon C16-C32.

Chế phẩm Limo AZA 3.000EC được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 2281 (Quyết định số 5037/QĐ-SHTT ngày 15/01/2020), công bố Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 09:2019/LIMO-VHS (ngày 20/6/2020). Hiện nhóm tác giả đang tiến hành thương mại hóa sản phẩm.

Dự án nêu trên cũng tạo được dầu neem thương mại với tên "Dầu neem AZA 3.000EC", dùng làm nguyên liệu chính để sản xuất các loại mỹ phẩm, chất tẩy rửa, chất sát trùng ngoài da và thuốc bảo vệ thực vật sinh học diệt trừ nấm bệnh phá hại cây trồng, mà không lưu bả độc gây ô nhiễm môi trường, phục vụ nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững ở nước ta. Dầu neem AZA 3.000EC (chứa 3.000 mg/kg hoạt chất chính AZL) được ép lạnh từ hạt neem trong quy trình chiết xuất limonoid azadirachtin, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 2281; công bố Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 08:2019/DN-VHS (ngày 20/6/2020); có tác dụng trừ được 4 loài nấm bệnh gây thiệt hại nhiều nhất cho các loại cây trồng, gồm: nấm Sclerotium rolfsii gây bệnh lở cổ rễ cho cây trồng; nấm Cladosporium fulvium gây bệnh đốm màu nâu làm hại thân lá, hoa, quả, cây trồng; nấm Fusarium sp làm cho cây bị héo rũ như thiếu nước rồi chết; nấm Xanthomonas campestris làm cho cây bị thối rễ rồi chết.

Bên cạnh Limo AZA 3.000EC, dầu neem AZA 3.000EC, đến với Techmart Công nghệ sinh học 2020, Viện Viện Công nghệ Hóa sinh ứng dụng TP.HCM còn đưa đến giới thiệu các công nghệ, sản phẩm như quy trình công nghệ sản xuất hoạt chất azadirachtin limonoid; quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm Limo NI và chế phẩm Limo NI bao phân đạm làm giảm lượng nitrat do cây trồng hấp thu và làm tăng năng suất cây trồng.

Techmart Công nghệ sinh học 2020 gồm 3 hoạt động chính: trưng bày, giới thiệu hàng trăm công nghệ và thiết bị tại 50 gian hàng; hội thảo trình diễn 27 chuyên đề công nghệ; tư vấn của 8 chuyên gia về các giải pháp công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.

 

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả