Đa tinh hoàn: một dị dạng hiếm thấy
04/01/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Tuấn Vinh thực hiện nhằm giới thiệu một trường hợp đa tinh hoàn gặp tại Việt Nam qua đó nêu lên một số giả thuyết về sinh bệnh học, các bệnh lý có thể phối hợp và thái độ xử trí phù hợp.
Đa tinh hoàn được định nghĩa là có nhiều hơn 2 tinh hoàn ở một người. Đây là một dị dạng rất hiếm thấy và trong truyền thuyết người ta cho rằng những người có nhiều tinh hoàn sẽ có khả năng tình dục và sinh sản siêu nhiên và thường thì chỉ có 3 tinh hoàn tức là một bên bìu có 2 tinh hoàn, một bên bìu còn lại có 1 tinh hoàn như bình thường. Bệnh án nghiên cứu là 1 bệnh nhân nam 13 tuổi. Bệnh nhân cảm thấy đau ở bìu phải, đau tăng khi sờ chạm, đau không lan, không có rối loạn đi tiểu, bìu trái hoàn toàn không đau, có kèm theo sốt cao và lạnh run trước khi lên cơn sốt.
Xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, các xét nghiệm về chất chỉ điểm bướu không ghi nhận bất thường; siêu âm cho hình ảnh giống viêm tinh hoàn mào tinh phải nhưng ở bìu trái phát hiện 2 khối rời nhau có cấu trúc giống tinh hoàn, không phân biệt được khối nào là tinh hoàn, không phát hiện hạch ổ bụng; MRI bên bìu trái có 2 tinh hoàn, 2 mào tinh nối nhau bởi cùng một ống dẫn tinh, bên phải có 1 tinh hoàn duy nhất, đầu mào tinh to phù nề. Chẩn đoán: viêm tinh hoàn mào tinh phải trên bệnh nhân có 3 tinh hoàn.
Về nguyên nhân của đa tinh hoàn thì cho tới nay chưa được biết chính xác, có nhiều giả thuyết giải thích hiện tượng này như sự bất thường của tế bào, sự nhân đôi của gờ sinh dục theo chiều dọc… nhưng giả thuyết của Leung được nhiều người chấp nhận nhất, đó là: đa tinh hoàn được tạo ra do sự tách ngang của gờ sinh dục trong quá trình phát triển với 4 nhóm chỉ mức độ tách. Nhóm A, sự chia cắt chỉ xảy ra ở gờ sinh dục đơn thuần, không phạm đến lưới tinh hoàn, tinh hoàn thêm không có mào tinh và ống dẫn tinh, tách rời không thông với đường dẫn tinh. Nhóm B, nếu cả gờ sinh dục và trung thận đều bị chia cắt thì lâm sàng sẽ tạo thành 2 tinh hoàn có mào tinh riêng nhưng chỉ có tinh hoàn dưới là nối với ống dẫn tinh. Nhóm C, nếu gờ sinh dục và lưới tinh hoàn bị chia cắt nhưng trung thận thì không nên lâm sàng sẽ thấy 2 tinh hoàn với mào tinh riêng nhưng cùng nối với 1 ống dẫn tinh chung. Nhóm D, chia cắt ngang gờ sinh dục với sự tách đôi của ống trung thận thì lâm sàng sẽ có 2 tinh hoàn với 2 mào tinh và 2 ống dẫn tinh riêng.
Như vậy, trường hợp bệnh nhân trong nghiên cứu này thuộc nhóm C; bệnh lý phối hợp là có thể kết hợp với bệnh lý tinh hoàn ẩn, tràn dịch tinh mạc, thoát vị bẹn…; chẩn đoán đa tinh hoàn: khám lâm sàng không thể chẩn đoán chính xác các trường hợp đa tinh hoàn, cần phải chẩn đoán phân biệt với u mào tinh, u cạnh tinh hoàn, khối u tinh hoàn… siêu âm bìu có thể cho chẩn đoán chính xác, nếu có thể thực hiện thêm cộng hưởng từ sẽ cho chẩn đoán chính xác và dễ phân loại đa tinh hoàn; về thái độ xử trí, trước một trường hợp đa tinh hoàn ta nên xem đa tinh hoàn là một dạng lâm sàng bình thường, có thể không cần xử trí gì đặc biệt, chỉ xử trí các bệnh lý đi kèm nếu có như phòng ngừa xoắn dây tinh, đem tinh hoàn xuống bìu trong trường hợp tinh hoàn ẩn…
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 10/2007)