Nghiên cứu biện pháp giảm phân tầng cho hỗn hợp bê tông keramzit tự lèn
11/08/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Duy Hiếu (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), TS. Trần Bá Việt (Viện KHCN Xây dựng) và GS.TSKH. Phùng Văn Lự (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) thực hiện nghiên cứu giải pháp khắc phục hiện tượng phân tầng cốt liệu nhẹ trong hỗn hợp bê tông có độ chảy cao và bê tông tự lèn.
Nghiên cứu tiến hành với chất kết dính là xi măng PCB40 Chinfon, cốt liệu nhỏ là cát vàng Sông Lô, phụ gia khoáng là tro tuyển nhiệt điện Phả Lại, phụ gia siêu dẻo, cốt liệu rỗng keramzit, cốt sợi siêu mảnh (sợi polyprolylen – PP)…
Theo đó, trong công nghệ chế tạo bê tông keramzit có độ chảy cao và bê tông keramzit tự lèn, nên sử dụng cốt liệu rỗng ngập nước trước. Sử dụng keramzit ngậm nước trước với độ ẩm phù hợp cho hiệu quả nhiều mặt so với sử dụng keramzit khô: giảm phân tầng cho hỗn hợp bê tông (khoảng 20%); tăng khả năng công tác cho hỗn hợp bê tông; cải thiện vi cấu trúc của bê tông. Sử dụng sợi thủy tinh hoặc sợi PP siêu mảnh, cùng với giải pháp cho cốt liệu rỗng ngậm nước trước, cho hiệu quả cao trong việc chống phân tầng cho hỗn hợp bê tông keramzit có độ chảy cao và bê tông keramzit tự lèn. Sợi thủy tinh làm giảm phân tầng tốt hơn sợi PP. Sử dụng phụ gia nhớt HPCM với hàm lượng hợp lý 0,03%-0,05% chất kết dính, có tác dụng rất tốt về chống phân tầng và tăng khả năng tự lèn cho hỗn hợp bê tông keramzit.
LV (nguồn: TC KHCN Xây dựng, 1/2009)