Một số nhận xét về chương trình làm mẹ an toàn tại 4 tỉnh có dự án, năm 2006
08/01/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do nhóm tác giả gồm Đào Quang Vinh, Nguyễn Thị Mai Hương, Trần Thị Phương Mai và Vũ Diễn thực hiện nhằm mô tả công tác tổ chức hoạt động và khả năng đáp ứng của dịch vụ làm mẹ an toàn; nhận xét những tồn tại của các hoạt động này để có được những kiến nghị giúp chương trình làm mẹ an toàn ở Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 đạt hiệu quả cao hơn.
Kế hoạch Quốc gia về làm mẹ an toàn (LMAT) tại Việt Nam giai đoạn 2003 - 2010 đã xác định rõ chương trình LMAT tập trung vào chăm sóc trước sinh, chăm sóc trong sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc sau sinh, nạo thai an toàn, ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền đường tình dục, vấn đề lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con và thực hiện kế hoạch hóa gia đình sau sinh. Để nắm đuợc tình hình thực hiện chương trình LMAT tại Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2010, nhóm tác giả trên tiến hành khảo sát chương trình LMAT tại 4 tỉnh có dự án là Hòa Bình (Dự án của Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA), Nghệ An (Dự án của JICA Nhật Bản), Quảng Trị (Dự án của Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Mỹ và Dự án LMAT của Bộ Y Tế) và Kiên Giang (Dự án LMAT của Bộ Y Tế và Dự án Dân số Sức khỏe Gia đình của Ngân hàng Thế giới với đối tượng nghiên cứu là hệ thông tổ chức, quản lý các hoạt động LMAT ở 3 tuyến tỉnh, huyện và xã bao gồm cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng; người cung cấp dịch vụ; phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ đến nhận dịch vụ và người thân của họ.
Kết quả cho thấy, các dự án chủ yếu tập trung chiến lược can thiệp vào việc nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế thông qua đào tạo và đào tạo lại. Tuy nhiên việc đào tạo bao gồm cả hình thức đào tạo và tài liệu đào tạo vẫn còn chưa thống nhất với chuẩn quốc gia. Việc thực hành chưa được đề cao trong quá trình đào tạo, nhiều thông tin mới chưa được cập nhật trong tài liệu giảng dạy như vấn đề tử vong mẹ, hồi sức sơ sinh, tai biến sản khoa…
Chưa có cơ sở y tế nào mà đoàn đánh giá tới có đủ trang thiết bị theo tiêu chuẩn Bộ Y Tế, mặc dù các cơ sở này đã được các dự án trang bị. Một số trang thiết bị mà các dự án cung cấp không phù hợp với cơ sở hoặc chỉ sử dụng được một thời gian ngắn đã hỏng và không sử dụng được nữa. 4/6 huyện được đánh giá chưa có phòng mổ nói chung và phòng mổ cho khoa sản nói riêng. Trình độ cán bộ về lĩnh vực LMAT nói chung đã được cải thiện, nhất là những tỉnh có dự án. Tuy nhiên, không có trường hợp nào trong số 15 trường hợp thực hiện bảng kiểm khám thai hoàn thành đầy đủ cả 9 bước khám thai, vẫn còn ½ trong số 15 cán bộ y tế chưa đạt chuẩn về xử lý các trường hợp nguy cơ tai biến sản khoa như chảy máu âm đạo, kỹ thuật hồi sức sơ sinh. Nhận thức về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản/LMAT của khách hàng vẫn cần được cải thiện hơn nữa, đặc biệt những đối tượng thuộc dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và những đối tượng là chồng, người nhà, người thân của đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Có một số dự án vẫn sử dụng hoạt động truyền thông theo cách truyền thông như cung cấp tờ rơi, tư vấn trực tiếp, nói chuyện tại các câu lạc bộ… mà chưa có tính sáng tạo, nhiều hình thức truyền thông khác như đóng kịch, thông qua phim ảnh để tuyên truyền…
Những kết quả khảo sát này sẽ góp phần giúp những nhà hoạch định chính sách có thông tin hữu ích để lập kế hoạch hoạt động cho chương trình LMAT giai đoạn 2006 - 2010 đạt kết quả cao.
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 11/2007)