Tình hình sử dụng thức ăn và năng suất chăn nuôi bò sữa trong các nông hộ miền Bắc Việt Nam
12/05/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Vũ Đình Tôn và Võ Trọng Thành (trường ĐH Nông nghiệp I) thực hiện đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển của hoạt động sản xuất và tiêu thụ sữa ở Việt Nam qua việc nghiên cứu tình hình sử dụng thức ăn và năng suất sữa ở các hộ nuôi bò sữa thuộc các tỉnh phía Bắc.
Nghiên cứu tiến hành trên đàn bò sữa nuôi trong các nông hộ thuộc 4 tỉnh miền Bắc (Hà Nội, Hà Tây, Sơn La, Vĩnh Phúc) trong thời gian từ 3/2006-2/2007.
Kết quả, tại các hộ chăn nuôi ở miền Bắc, người nông dân đã chuyển một phần đất sản xuất nông nghiệp sang trồng cỏ cho bò sữa. Các loại cây thức ăn chính ở Hà Nội, Hà Tây và Vĩnh Phúc gồm cỏ voi, cỏ narock, cỏ sao và cây ngô. Lượng thức ăn thô xanh sử dụng cho bò sữa khá thấp ở Hà Tây (39,43kg/con ngày) và cao nhất là ở Sơn La (54,56kg/con/ngày). Nhìn chung nguồn thức ăn xanh đủ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi bò sữa vào mùa hè và mùa thu. Trong khẩu phần cho bò sữa, thức ăn tinh được người nông dân tự phối trộn (44%) hoặc mua dạng hỗn hợp (56%). Lượng thức ăn tinh bình quân cho bò sữa tại các vùng nghiên cứu dao động trong khoảng 3,97-5,52kg/con/ngày. Tại các địa phương lượng thức ăn thô xanh trong vụ đông – xuân giảm (4-14kg/con/ngày) so với vụ hè thu. Các biện pháp kỹ thuật chế biến thức ăn để dự trữ trong vụ đông xuân chưa được các nông hộ chăn nuôi bò sữa quan tâm và áp dụng thoả đáng. Nhờ nuôi giữ đàn bò thuần và điều kiện tự nhiên ưu đãi nên năng suất chăn nuôi bò sữa tại Sơn La đạt được cao nhất (16,72kg/con/ngày), Hà Nội và Hà Tây dao động trong khoảng (14,58-15,55kg/con/ngày) và không có sự chênh lệch lớn giữa các loại bò lai. Tuy nhiên, đàn bò lai F3, F2 tại Vĩnh Phúc cho năng suất sữa khá thấp (11,38-12,54kg/con/ngày). Năng suất sữa các loại bò nói chung biến động bình thường qua các chu kỳ cho sữa và các tháng khai thác sữa trong chu kỳ. Chu kỳ khai thác sữa dao động trong khoảng 292-316 ngày. Sơn La và Hà Nội là 2 địa phương có kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa lâu đời kết hợp với nguồn con giống đảm bảo chất lượng nên đã cho năng suất sữa tốt hơn các địa phương còn lại. Vĩnh Phúc là nơi nuôi chủ yếu bò lai F2 và F3 nhưng do chất lượng giống không đảm bảo và kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế nên năng suất sữa thực tế còn khá thấp.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, số 2/2008)