SpStinet - vwpChiTiet

 

Điều trị bảo tồn không mổ chấn thương gan do chấn thương bụng kín

Đề tài do các tác giả Trần Vĩnh Hưng, Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Phùng, Lê Tống Khôi Việt thực hiện nhằm đánh giá kết quả điều trị bảo tồn không mổ chấn thương gan do chấn thương bụng kín; xác định khả năng điều trị bảo tồn ở những mức độ tổn thương khác nhau trong chấn thương gan; yếu tố quyết định điều trị bảo tồn; đề xuất phác đồ xử trí chấn thương gan phù hợp với hoàn cảnh nước ta.

Chấn thương gan là hình thái lâm sàng hay gặp trong chấn thương bụng kín ở nước ta cũng như trên thế giới, đứng hàng thứ 2 sau chấn thương lách với tỷ lệ 15-20%. Điều trị chấn thương gan có nhiều phương pháp, từ điều trị bảo tồn không mổ cho đến ghép gan và một số biện pháp can thiệp hỗ trợ như làm tắc mạch chọn lọc, phẫu thuật nội soi ổ bụng, nội soi mật tuỵ ngược dòng…
Nghiên cứu tiến hành với các bệnh nhân chấn thương gan do chấn thương bụng kín có độ tuổi từ 16 trở lên được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 từ tháng 7/2005 đến 9/2007.
Kết quả, 71 bệnh nhân được điều trị có tuổi trung bình là 29,84 ± 13,06, độ tuổi từ 16-67; có 58/71 (81,6%) bệnh nhân có 1 hoặc nhiều tổn thương phối hợp như: chấn thương ngực (16/71), gãy xương (16/71), chấn thương thận (5/71), chấn thương lách (2/71)…
Cũng như đa phần các chấn thương của các tạng khác, chấn thương gan hay gặp ở nam nhiều hơn ở nữ và nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn giao thông. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là CT rất có giá trị trong chẩn đoán chấn thương gan. Ngoài ra CT còn giúp phát hiện các tổn thương gan và các biến chứng trong quá trình theo dõi, nhờ vậy đã làm gia tăng tỷ lệ điều trị bảo tồn và giảm tỷ lệ tử vong. Điều trị bảo tồn không mổ là phương pháp được lựa chọn để điều trị các trường hợp chấn thương gan có huyết độ không ổn định (78,8%) với tỷ lệ thành công cao (98,1%). Không có trường hợp tử vong nào gặp trong nhóm điều trị bảo tồn không mổ, tỷ lệ biến chứng thấp (1,9%). Độ tổn thương gan càng lớn thì tỷ lệ chuyển mổ càng cao (độ V chuyển mổ 66,7%). Để đạt được tỷ lệ thành công tối đa, điều trị bảo tồn không mổ cần tuân theo một số tiêu chuẩn nhất định. Trong đó tình trạng huyết động ổn định là tiêu chuẩn quan trọng để quyết định điều trị bảo tồn không mổ. Chưa thấy có sự liên quan giữa mức độ tổn thương gan trên CT cũng như mức độ tràn máu đối với điều trị bảo tồn không mổ. Tuy nhiên, đối với các trường hợp tổn thương gan nặng trên CT hoặc tràn máu ổ bụng khá nhiều, việc điều trị bảo tồn vẫn có thể tiến hành nhưng đòi hỏi phải theo dõi nghiêm ngặt và phải bảo đảm khả năng hồi sức tối ưu. Theo dõi lâm sàng có vai trò rất quan trọng trong chấn thương gan, trong trường hợp cần thiết cần sử dụng hiệu quả của các phương tiện cận lâm sàng hỗ trợ.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 1/2008)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả