Xác định tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B, HBSAG, ANTI-HBS và HBEAG của cán bộ y tế tại một số bệnh viện Thành phố Hải Phòng
18/02/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Nguyễn Quang Tập, Phạm Trung Kiên (Bệnh Viện Kiến An, Hải Phòng), Phạm Văn Trọng (ĐH Y Thái Bình) thực hiện nghiên cứu thực trạng nhiễm virus viêm gan B – HBV (Hepatitis B virus) của cán bộ y tế tại một số bệnh viện thành phố Hải Phòng, nhằm giúp ích cho việc phòng bệnh và chữa bệnh trong nhân viên ngành y tế nói riêng và cộng đồng nói chung. Nghiên cứu tiến hành với các cán bộ y tế đang công tác tại Bệnh Viện Kiến An, Bệnh Viện An Dương và Bệnh Viện Tiên Lãng, được chia ra làm 2 nhóm chính là nhóm đối tượng tiếp xúc trực tiếp (ĐTTXTT) người bệnh bao gồm cán bộ y tế ở các khoa lâm sàng, khoa khám bệnh, xét nghiệm, giải phẫu bệnh (463 người); nhóm đối tượng tiếp xúc gián tiếp (ĐTTXGT) người bệnh bao gồm các cán bộ làm việc tại phòng tài chính kế hoạch, tổ chức cán bộ, hành chính quản trị… (206 người); thời gian từ tháng 12/2006 đến tháng 6/2007.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm HBV là 14,8%, trong đó tỷ lệ
mang HBsAg (+) LÀ 8,1% và tỷ lệ có kháng thể Anti-HBs (+) trong số đối tượng chưa tiêm chủng là 6,7%. Tỷ lệ có kháng thể Anti-HBs có xu hướng giảm dần theo tăng các nhóm tuổi; tỷ lệ nhiễm HBV tăng theo nhóm tuổi và tuổi nghề. Tỷ lệ nhiễm HBV cao nhất ở các khoa truyền nhiễm (46,2%), hồi sức - mổ (27,3%) và khoa xét nghiệm (24,2%); khối tiếp xúc gián tiếp với người bệnh và khoa y học cổ truyền có tỷ lệ nhiễm thấp nhất (<10,7%). Nguy cơ nhiễm HBV của nhóm ĐTTXTT cao hơn 1,67 lần so với nhóm ĐTTXGT; nguy cơ nhiễm HBV ở nhóm đối tượng chưa tiêm phòng cao gấp 15 lần so với nhóm tiêm phòng. Đề tài cũng đưa ra kiến nghị là lãnh đạo các bệnh viện nên tổ chức tiêm phòng virus viêm gan B cho cán bộ y tế và tích cực điều trị cho những người đã nhiễm HBV.
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 12/2007)