Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn III, IV tại Bệnh Viện Đa Khoa Trung Ương Thái Nguyên
18/01/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Nguyễn Xuân Phong và Phạm Thị Hồng Vân thực hiện nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của suy thận mạn tính giai đoạn III và IV; tìm hiểu mối liên quan giữa các triệu chứng lâm sàng, chỉ số sinh hóa, huyết học với mức độ suy thận mạn giai đoạn III và IV.
Suy thận mạn là hậu quả của các bệnh mạn tính gây giảm sút từ từ số lượng nephron chức năng làm giảm dần mức lọc cầu thận tương ứng với các tổn thương nhu mô bệnh học thông qua từng giai đoạn của suy thận. Tiến triển của bệnh ở giai đoạn đầu thường kín đáo, sau nhiều năm tiến triển dai dẳng, các triệu chứng trên lâm sàng mới thể hiện rõ ràng. Hầu hết các bệnh nhân suy thận mạn không được phát hiện kịp thời, khi điều trị thường nằm trong giai đoạn III và IV và như vậy thì hiệu quả điều trị thường không đạt kết quả cao.
Nghiên cứu tiến hành với 2 nhóm bệnh nhân là nhóm chứng (48 bệnh nhân bị thận tiết niệu chưa có biểu hiện suy thận) và nhóm nghiên cứu (54 bệnh nhân chẩn đoán là suy thận mạn giai đoạn III và IV) tại Khoa Nội - Bệnh Viện Đa Khoa Trung Ương Thái Nguyên từ 10/2006 đến 7/2007.
Kết quả cho thấy, về biểu hiện sinh hóa, huyết học ở nhóm suy thận mạn, u rê máu ở bệnh nhân nsuy thận giai đoạn III, IV cao hơn rất nhiều so với nhóm chứng và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,05; protein toàn phần máu nhóm suy thận mạn giai đoạn III, IV trị số thấp hơn so với nhóm chứng với p<0,01; một số chất điện giải máu Na+, Ca++, K+, CL- ở bệnh nhân giai đoạn III, IV, không có sự khác biệt so với nhóm chứng (p>0,05); số lượng hồng cầu (RBC) nhóm suy thận mạn giai đoạn III, IV thấp hơn số lượng hồng cầu ở nhóm chứng với p<0,05; hemoglobin (Hb) ở suy thận mạn giai đoạn III, IV giảm nhiều so với nhóm chứng rất nhiều với p<0,05; số lượng tiểu cầu (PLT) ở giai đoạn III, IV giảm rõ rệt so với nhóm chứng.
Về mức độ liên quan giữa các triệu chứng lâm sàng, chỉ số sinh hóa, huyết học và tình trạng suy thận mạn giai đoạn cuối, triệu chứng da xanh, niêm mạc nhợt tăng tương ứng với các giai đoạn suy thận mạn; triệu chứng phù tăng dần tương ứng với các giai đoạn suy thận; ure, creatinin máu tăng dần tương ứng với các giai đoạn suy thận; số lượng hồng cầu, Hb, tiểu cầu giảm dần tương đương với các giai đoạn suy thận; triệu chứng khó thở, đái ít, chứng nôn, đau lưng có tương quan tuyến tính thuận với giai đoạn suy thận mạn, sự tương quan yếu; bệnh suy thận càng nặng thì số lượng hồng cầu, hemoglobin càng giảm; suy thận càng nặng thì ure, creatinin, acid uric máu càng cao và ngược lại.
LV (nguồn: Tạp chí Y học thực hành, số 11/2007)