Nối bàn chân đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu 5 trường hợp tại Bệnh Viện Việt Đức và nhìn lại y văn
17/01/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do nhóm tác giả Nguyễn Hồng Hà, Đỗ Ngọc Linh, Nguyễn Tiến Quyết (Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức, Hà Nội) thực hiện nhằm góp thêm bàn luận về việc chỉ định phẫu thuật nối bàn chân đứt rời.
Nhu cầu nối chi đứt rời ngày càng tăng lên do các chấn thương nặng trong giao thông cũng như trong lao động, sinh hoạt… Bàn chân là đầu tận cùng của chi dưới, do đó phẫu thuật nối bàn chân so với phẫu thuật nối chi dưới nói chung có những điểm khác biệt (mạch máu nhỏ hơn nên phải dùng đến kỹ thuật vi phẫu, áp lực tưới máu thấp hơn…) tuy nhiên nếu được nối tốt, việc phục hồi chức năng sẽ dễ dàng hơn và bệnh nhân không cần thêm các cuộc mổ kéo dài chi.
Nghiên cứu tiến hành với 5 bệnh nhân (2 nữ, 2 nam, 1 trẻ em) được phẫu thuật nối bàn chân đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu tại Bệnh Viện Việt Đức từ năm 2005 đến năm 2006. Kết quả cho thấy, tuổi ít nhất là 6 và nhiều nhất là 44, không có bệnh nhân trên 50 tuổi; 4/5 bệnh nhân có bàn chân được nối sống hoàn toàn, 1/5 bệnh nhân có hoại tử khô vùng mu chân. Trong nhóm 4 bệnh nhận, có 2 bệnh nhân có biến chứng sớm (phù nề, viêm), không bệnh nhân nào có biến chứng xa (hoại tử tổ chức, lộ xương, viêm xương…), trường hợp bệnh nhân hoại tử khô, sau 3 tuần xuất hiện nhiễm trùng rộng tại mu cổ chân do đó quyết định cắt cụt. Theo dõi sau 4 đến 18 tháng thì chức năng đi lại tốt 100% (không đau, có thể đi bộ dài, leo cầu thang); hình dáng bàn chân 2 bên cân đối, không có biểu hiện teo cơ rõ rệt; tất cả bệnh nhân đều xuất hiện lại cảm giác nông, đau, nóng lạnh…; về tâm lý, các bệnh nhân đều thấy hài lòng với kết quả điều trị.
Như vậy, phẫu thuật nối bàn chân nói riêng và phẫu thuật nối chi dưới nói chung là một phẫu thuật tuy không quá khó về kỹ thuật nhưng lại đòi hỏi một chỉ định chặt chẽ để có thể thu được kết quả tốt cả về thẩm mỹ và chức năng. Phẫu thuật viên có kinh nghiệm về phẫu thuật mạch máu, đặc biệt là vi phẫu thuật kết hợp với một chỉ định phẫu thuật chặt chẽ, kết quả phẫu thuật nối bàn chân đứt rời có thể coi là khả quan, đảm bảo được mặt chức năng, thẩm mỹ, tâm lý và qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 11/2007)