So sánh đặc điểm cận lâm sàng của lao phổi tái phát ở người cao tuổi và trẻ tuổi
29/01/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Lê Bật Tân và Lê Ngọc Hưng (Bộ môn Lao – ĐH Y Hà Nội) thực hiện nhằm so sánh đặc điểm cận lâm sàng của lao phổi tái phát ở người cao tuổi và trẻ tuổi tại Bệnh Viện Lao và Bệnh Phổi Trung Ương từ 9/2003 – 9/2005.
So với lao phổi mới, lao phổi tái phát thường gặp ở người cao tuổi, gây tình trạng bệnh nặng hơn, chẩn đoán gặp khó khăn và tỷ lệ điều trị khỏi thấp hơn, triệu chứng thường không điển hình… Vì vậy, chẩn đoán sớm lao phổi tái phát dựa vào đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng là rất cần thiết.
Nghiên cứu tiến hành với 2 nhóm bệnh nhân gồm 55 bệnh nhân tuổi ≥ 60 (nhóm người cao tuổi) và 66 bệnh nhân tuổi từ 16 – 44 (nhóm người trẻ tuổi) được chẩn đoán là lao phổi tái phát được điều trị tại Bệnh Viện Lao và Bệnh Phổi Trung Ương từ tháng 9/2003 – 9/2005.
Kết quả cho thấy, giữa 2 nhóm không có sự khác biệt về mức độ AFB (+) trong đờm bằng soi trực tiếp. Phản ứng Mantoux đa số gặp dương tính mức độ nhẹ và vừa (82,9% và 78,4%); tỷ lệ âm tính ở người cao tuổi gấp 1,8 lần so với người trẻ tuổi (21,6% so với 12,2%). Ở cả 2 nhóm chủ yếu gặp tổn thương trên X quang phổi chuẩn là dạng phối hợp; tổn thương xơ hang gặp nhiều nhất (nhóm cao tuổi là 52,7%, nhóm trẻ tuổi là 60,6%); tập trung cả 2 phổ (nhóm cao tuổi là 80%, nhóm trẻ tuổi là 77,3%); tổn thương rộng độ III (nhóm cao tuổi là 70,9%, nhóm trẻ tuổi là 59,1%).
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 12/2007)