Ảnh hưởng của sài hồ quế chi thang tách bằng thử nghiệm chính giao đến thân nhiệt chuột gây sốt thực nghiệm
26/03/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Mạnh Tuyển (Trường ĐH Dược Hà Nội) thực hiện khảo sát ảnh hưởng của tiểu sài hồ thang (TSH) và quế chi thang (QCT) đến biến thiên thân nhiệt của động vật gây sốt thực nghiệm, đồng thời khảo sát tác dụng tương hỗ giữa 2 nhân tố này, từ đó sơ bộ tìm hiểu quy luật phối ngũ tương của phương thuốc này, góp phần làm sáng tỏ lý luận của y học cổ truyền.
Đề tài vận dụng phương pháp chính giao thiết kế để tiến hành nghiên cứu quy luật phối ngũ tương của phương thuốc sài hồ quế chi thang, với các vị thuốc sài hồ, quế chi, thược dược, hoàng cầm… được cung cấp bởi Công ty TNHH Đồng Nhân Đường tại Quảng Châu đạt tiêu chuẩn Dược điển Trung Quốc 2005; 9 mẫu dịch chiết của sài hồ quế chi thang được xây dựng theo bảng thử nghiệm chính giao L9 (34); thuốc đối chiếu aspirin 0,5g/viên; nấm men; chuột cống trắng…
Kết quả qua phân tích trực quan và phân tích phương sai, xét một cách tổng thể thấy rằng QCT đóng vai trò chủ đạo trong tác dụng giải nhiệt của phương thuốc, TSH đóng vai trò thứ yếu nhưng khi 2 yếu tố này phối hợp với nhau thì tác dụng giải nhiệt được tăng cường đáng kể (thời điểm 2 giờ sau khi dùng thuốc). Từ đó cho thấy, phương thuốc sài hồ quế chi thang có tác dụng hạ nhiệt tốt trên chuột cống trắng gây sốt thực nghiệm bằng nấm men. Tác dụng của phương là sự phối hợp tác dụng của các yếu tố TSH và QCT, đồng thời tồn tại tác dụng hiệp đồng giữa chúng. Chính giao thiết kế là phương pháp tiện ích có thể ứng dụng trong nghiên cứu quy luật phối ngũ tương của thuốc cổ truyền.
LV (nguồn: TC Dược học số 381, 1/2008)