Phân tích trạng thái ứng suất – biến dạng xung quanh hố đào có kể tới yếu tố không gian
21/03/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trạng thái ứng suất – biến dạng (ƯS-BD) khi thi công hố đào sâu chịu nhiều yếu tố tác động như điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, tính chất cơ lý của đất nền, hình dạng hố đào …TS Nguyễn Việt Tuấn (Viện KHCN Xây dựng) khi phân tích trạng thái ứng suất – biến dạng xung quanh hố đào quan tâm đến yếu tố không gian – một vấn đề không thể bỏ qua trong xây dựng.
Tác giả lần lượt phân tích ảnh hưởng của kích thước hình học hố đào, các yếu tố hình học hố đào và ảnh hưởng của các yếu tố không gian trong các công trình hố đào từ thực tế. Qua đó cho thấy, khi tỉ lệ kích thước giữa chiều dài và chiều rộng của hố đào tăng lên thì trạng thái ƯS-BD của khối đất nền quanh hố đào cũng thay đổi, phạm vi ảnh hưởng tăng lên và tiến gần đến trạng thái ƯS-BD phẳng. Thực tế cho thấy, vùng ảnh hưởng và giá trị độ lún khi thi công hố đào của công trình có sự khác biệt rõ rệt: Vùng ảnh hưởng lún khi tính toán theo sơ đồ bài toán phẳng lớn gấp 1,5 lần so với khi tính bài toán không gian và giá trị độ lún tăng gấp đôi; Chuyển dịch ngang của thành hố đào khi tính theo sơ đồ bài toán phẳng có giá trị lớn gấp 3 lần so với khi tính theo sơ đồ bài toán không gian; Giá trị độ lớn bề mặt và chuyển dịch ngang của thành hố đào tính theo sơ đồ không gian tương đối gần với giá trị đo được trong thực tế.
BH (Theo Tạp chí KHCN Xây dựng, số1/08)