Nghiên cứu hiệu quả tại cuộc chuyển dạ của các sản phụ tham gia khoá học trước sinh ở Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội
29/02/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Tô Minh Hương (Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội), Trần Thị Phương Mai, Đào Ngọc Phong (Trường ĐH Y Hà Nội) thực hiện nhằm đánh giá một số hiệu quả trên bà mẹ và trẻ sơ sinh tại cuộc đẻ của nhóm bà mẹ tham gia khoá học trước sinh ở Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội.
Xuất phát từ ý tưởng cho rằng người phụ nữ khi có thai và con của họ sẽ được hưởng lợi ích nếu họ được chuẩn bị về tinh thần và sức khoẻ cho cuộc đẻ nên Grantly Dick Read đã khởi xướng khoá học trước sinh từ nằm 1993, đề ra kỹ thuật thư giãn để giảm đau khi đẻ… Gần đây các nội dung lớp học đã được mở rộng như giảng dạy vấn đề dinh dưỡng, nuôi con bằng sữa mẹ…, tuy nhiên cần có những nghiên cứu nhằm đưa ra nột mô hình lớp học cụ thể cũng như đánh giá kết quả của khoá học.
Nghiên cứu tiến hành với 2 nhóm gồm nhóm can thiệp (các bà mẹ khỏe mạnh có một thai sống, tuổi thai vào quý 1 đến khám thai tại Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội được lựa chọn ngẫu nhiên) và nhóm chứng (lựa chọn theo thiết kế ghép cặp, vào thời điểm thu nhận 1 sản phụ nhóm can thiệp sẽ chọn 1 sản phụ nhóm chứng), mỗi nhóm có 88 bà mẹ.
Kết quả, có sự tương đồng về tuổi trung bình của nhóm can thiệp và nhóm chứng với nhóm tuổi từ 20-34 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất; tỷ lệ bà mẹ đẻ con so ở nhóm can thiệp 72,7% và nhóm chứng 78,4%, chiếm tỷ cao nhất.
Với phương pháp nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, các kết quả bước đầu cho thấy khoá học trước sinh cho các bà mẹ có thai mang lại những lợi ích cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, cụ thể: thời gian rặn đẻ của các bà mẹ ở nhóm can thiệp (12,0 ± 9,8 phút) ngắn hơn nhóm chứng (22,8± 10,1 phút); tỷ lệ bà mẹ đẻ thường ở nhóm can thiệp (63,6%) cao hơn nhóm chứng (43,3%); tỷ lệ bà mẹ cho trẻ bú sớm (sau đẻ 1 giờ) ở nhóm can thiệp (73,9%) cao hơn nhóm chứng (45,5%); tỷ lệ bà mẹ rất hài lòng với cuộc đẻ ở nhóm can thiệp (75,0%) cao hơn nhóm chứng (23,9%).
Với những hiệu quả như trên, đề tài kiến nghị cần triển khai rộng rãi các khoá học trước sinh tại các bệnh viện phụ sản nói riêng và tại cộng đồng nói chung.
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 12/2007)