Nghiên cứu khả năng khử chất dinh dưỡng trong nước thải bằng phương pháp hồ sinh học kết hợp
04/03/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Nguyễn Xuân Hoàn và Nguyễn Văn Vinh (Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM) thực hiện nghiên cứu khả năng khử chất dinh dưỡng trong nước thải bằng phương pháp hồ sinh học kết hợp.
Phú dưỡng hoá nguồn nước là sự xâm nhiễm một lượng lớn N, P từ nước thải sinh hoạt trong các khu dân cư hoặc nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, tác động tiêu cực đến hoạt động sống của người dân, làm biến đổi hệ sinh tháo nước và làm tăng mức độ ô nhiễm không khí ở đô thị. Biểu hiện của phú dưỡng hoá là sự phát triển bùng nổ tảo và nở hoa tảo, làm phá vỡ chuỗi thức ăn ổn định các hệ sinh thái thuỷ vực, sự kém đa dạng các sinh vật nước, đặc biệt là cá, nước có màu xanh đen hoặc đen, có mùi hôi thối… Việc giảm thiểu hoặc xử lý triệt để nguồn dinh dưỡng trong nước thải trước khi xả vào nguồn tiếp nhận là rất cần thiết, giúp môi trường sạch và phát triển bền vững. Có nhiều phương pháp xử lý như cơ, lý hoá, sinh kết hợp, Apha, hồ sinh học…
Nghiên cứu này vận dụng những cơ sở lý thuyết của quá trình phân huỷ chất dinh dưỡng bằng phương pháp hồ sinh học thiếu khí và kỵ khí (Anammox), kết hợp cả 2 quá trình này để nghiên cứu xử lý sự phú dưỡng trong nước thải.
Kết quả cho thấy, ở điều kiện nhiệt độ 300C và pH = 7,5 hiệu suất xử lý đạt trên 90%, thời gian xử lý rút ngắn 24 giờ. Công trình thoả mãn các yêu cầu đề ra như ổn định trong hoạt động, vận hành đơn giản, dễ sử dụng, dễ thay thế và sửa chữa, không gây xáo trộn hay ảnh hưởng đến quy trình công nghệ và đặc biệt chi phí vận hành phải thấp. Đây là những kết quả bước đầu vì vậy cần có kế hoạch nghiên cứu sâu hơn và triển khai kết quả nghiên cứu trên với quy mô lớn, áp dụng tại hiện trường.
LV (nguồn: Tạp Chí Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn, số 19/2007)