(Cesti) Đề tài do TS. Viên Ngọc Nam (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) và các cộng sự thực hiện nhằm điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng thực vật bằng định lượng thông qua các chỉ số đa dạng sinh học, làm cơ sở cho việc theo dõi bảo tồn đa dạng sinh học theo không gian và thời gian, từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn các tiểu khu trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ.
Nghiên cứu tiến hành điều tra thực địa theo tuyến kết hợp với lập ô đo đếm điển hình; dùng các chỉ số đa dạng sinh học (chỉ số phong phú Margalef - d; chỉ số đồng đều Piejoue- J’; chỉ số ưu thế Simpson - D; chỉ số đa dạng Shannon - H’) và chỉ số Caswell (V) làm các chỉ tiêu đo đếm cho từng tiểu khu nghiên cứu; dùng máy định vị toàn cầu (GPS) để xác định vị trí các ô điều tra, các quần xã đặc biệt có chỉ số đa dạng sinh học cao…; ứng dụng CNTT, viễn thông địa lý (GIS) để lưu trữ vị trí, số liệu cũng như cơ sở dữ liệu làm cơ sở cho việc đánh giá và theo dõi đa dạng sinh học cây rừng ngập mặn theo không gian và thời gian… Vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ gồm 10 tiểu khu (1, 2b, 3, 4b, 6b, 9, 11, 12, 13 và 16); số lượng ô điều tra đo đếm là 30 ô/tiểu khu x 10 tiểu khu = 300 ô.
Kết quả, trong 300 ô đo đếm đã xác định cấp lập địa 1b có 1,7% số ô, cấp 1c chiếm 21,7%, 1d chiếm 20%, 1e chiếm cao nhất là 38,7% và 1g chiếm 18%. Ở mức tương đồng 60% có 3 nhóm tiểu khu theo lập địa, trong đó tiểu khu 1 là nhóm riêng biệt, nhóm 2 gồm tiểu khu 3, 4b và 8, nhóm 3 còn lại 6 tiểu khu. Thành phần loài trong 10 tiểu khu có 40 loài, trong đó 35 loài cây ngập mặn thực sự và 5 loài cây gia nhập rừng ngập mặn. Trong từng ô đo đếm có trung bình 6,7 loài, tiểu khu 4 có số loài cao nhất và thấp nhất là tiểu khu 11. Số cá thể trung bình là 102 cá thể/ô, biến động từ 69-136 cá thể; tiểu khu 13 có số cá thể cao nhất và thấp nhất là ở các ô thuộc tiểu khu 11. Chỉ số d trung bình là 1,16, cao nhất ở tiểu khu 6 (1,46 ± 0,19) và thấp nhất ở tiểu khu 11 (0,93 ± 0,24); chỉ số J’ trung bình là 0,70, cao nhất ở tiểu khu 4b (0,75 ± 0,05), thấp nhất ở tiểu khu 13 (0,59 ± 0,08); chỉ số H’ của tiểu khu 4b cao nhất (1,45), thấp nhất ở tiểu khu 13 (1,0), tiểu khu 11 và 16 bằng nhau, tiểu khu 2 và 3 không khác nhau; chỉ số D trung bình là 0,39 và biến động từ 0,31-0,49. Chỉ số V của các tiểu khu trung bình là 0,89 ± 0,32, chỉ số nhỏ nhất là 0,04 (tiểu khu 13) và lớn nhất là 1,5 (tiểu khu 3). Có 3 loài trong sách đỏ là Quao nước (ở các tiểu khu 1, 3, 6 và 9); Cóc đỏ (ở tiểu khu 4 và 6); Đước đôi (xuất hiện ở các tiểu khu nghiên cứu). Có 1 loài hiếm là Đước râu chỉ xuất hiện ở tiểu khu 12.
Đề tài cũng đưa ra một số kiến nghị như xây dựng các ô định vị để theo dõi đa dạng thực vật theo không gian và định kỳ từ 3-5 năm kiểm tra đa dạng thực vật thông qua các chỉ số đa dạng; nghiên cứu và nhân giống các loài cây có trong danh sách đỏ của Việt Nam như Cóc đỏ, Quao nước… và chú ý phát triển những tiểu khu đã có loài này; ở Cần Giờ cần tập trung biện pháp bảo tồn nội vị, cạnh đó cần xây dựng Vườn sưu tập thực vật rừng ngập mặn có tầm cỡ để tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn…
Đề tài đã được hội đồng nghiệm thu Sở KH&CN TP.HCM thông qua và đánh giá loại khá vào ngày 9/4/2008.
Lam Vân