Một số yếu tố liên quan đến rối loạn đông máu ở bệnh nhân truyền máu khối lượng lớn
14/04/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Thị Huê và cộng sự thực hiện nhằm xác định một số yếu tố liên quan đến rối loạn đông máu ở bệnh nhân ngoại khoa truyền máu khối lượng lớn.
Rối loạn đông máu là mất khả năng cầm đông máu bình thường của cơ thể, là một trong những rối loạn gặp khá phổ biến trong truyền máu khối lượng lớn (TMKLL). TMKLL hay truyền máu ồ ạt là truyền một lượng máu tương đương hoặc lớn hơn một thể tích máu toàn thể của cơ thể trong vòng 24 giờ. Khi truyền nhanh và nhiều, cộng với những rối loạn do mất máu lớn, do chấn thương, do bệnh lý sẵn có… sẽ gây ra các hậu quả, trong đó có rối loạn đông máu, một rối loạn nghiêm trọng có khi đưa đến tử vong. Vì vậy, nghiên cứu theo dõi bệnh nhân nhằm sớm phát hiện các biến chứng để điều trị kịp thời sẽ góp phần giảm nguy cơ tử vong trong TMKLL.
Nghiên cứu tiến hành với 90 bệnh nhân người lớn được can thiệp phẫu thuật tại Bệnh viện Việt - Đức từ 9/2004-4/2007, có truyền >3000ml máu trong vòng 24 giờ.
Theo đó, tuổi trung bình của bệnh nhân là 38 ± 17, nam 58 (64%), nữ 32 (36%), bệnh nhân chấn thương chiếm 46%, 54% còn lại là không chấn thương, trong đó 15% là bệnh lý tiêu hoá và gan mật, 11% là mổ lấy u các loại… Qua theo dõi về 4 chỉ số SLTC, PT, APTT, fibrinogen sau TMKLL cho thấy 100% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm đông máu bất thường ngay sau truyền máu, chủ yếu biểu hiện giảm đông, trong đó 100% bệnh nhân giảm SLTC, 94% giảm PT, 70% có APTT kéo dài, 68% có giảm fibrinogen và 41% giảm cả 4 chỉ số trên, 92% có xét nghiệm D-Dimer tăng. Số lượng máu truyền, thời gian bảo quản của máu truyền và biến đổi một số chỉ số đông máu có mối tương quan thuận nhưng chưa được chặt chẽ (p>0,05). Hạ thân nhiệt, thiếu máu, mất máu, toan hoá máu là những yếu tố có liên quan đến rối loạn đông máu. Dự phòng hạ thân nhiệt, theo dõi và điều trị sớm tình trạng thiếu máu và toan hoá máu là biện pháp góp phần làm giảm tỷ lệ rối loạn đông máu ở bệnh nhân TMKLL.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 1/2008)