Đánh giá kết quả sớm sau điều trị ung thư trực tràng bằng phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện 108
28/04/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Minh An (Trường Cao đẳng y tế Hà Nội) thực hiện nhằm đánh giá kết quả sớm sau phẫu thuật nội soi điều trị ung thư trực tràng (UTTT).
Phẫu thuật nội soi điều trị UTTT bao gồm cắt đoạn đại trực tràng, bảo tồn cơ thắt, cắt toàn bộ mạc treo trực tràng đồng thời bảo tồn thần kinh tự động vùng chậu, khâu miệng nối trực tràng ở thấp… Phẫu thuật này được lựa chọn vì có thể cải thiện chất lượng cuộc sống sau mổ, đồng thời cũng đạt được kết quả tốt về tỷ lệ sống thêm.
Nghiên cứu tiến hành với 34 bệnh nhân được chẩn đoán xác định là UTTT từ năm 2003 đến tháng 6/2007 được điều trị tại khoa B15 Bệnh viện 108.
Kết quả, tuổi trung bình của bệnh nhân là 51 ± 17,06, thấp nhất là 24, cao nhất là 74; lứa tuổi hay gặp nhất là 40 (81,1%), đa số bệnh nhân trên 60 tuổi (35,2%) cho thấy nguy cơ mắc bệnh UTTT tỷ lệ thuận với tuổi, tuổi càng cao tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Về thời gian phẫu thuật, thời gian gây mê trung bình là 156,3 ± 40 phút, thời gian gây mê ngắn nhất là 115 phút và dài nhất là 225 phút, thời gian mổ trung bình là 134,5 ± 35,4 phút, thời gian phẫu thuật ngắn nhất là 105 phút và dài nhất là 220 phút. Kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị UTTT phức tạp hơn so với phương pháp mổ kinh điển, đặc biệt là UTTT thấp nhưng tai biến trong mổ ít có khả năng xảy ra.
Trong kết quả nghiên cứu này, có 1/34 bệnh nhân (chiếm 2,9%) có tai biến trong mổ và biến chứng sớm sau mổ là 3/34 bệnh nhân (chiếm 8,8%), trong đó 2 bệnh nhân nhiễm trùng vết mổ và 1 bệnh nhân phát hiện xì miệng nối 15 giờ sau mổ. Tử vong do phẫu thuật là 0%. Tỷ lệ bảo tồn cơ thắt thành công là 28/34 bệnh nhân (chiếm 82,4%), trong đó 10/16 bệnh nhân trong nhóm UTTT thấp. Thời gian nằm điều trị tại bệnh viện được rút ngắn hơn so với phương pháp mổ kinh điển. Thời gian nằm viện sau mổ trung bình là 8,5 ± 2,3 ngắn nhất là 7 ngày và dài nhất là 13 ngày.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 1/2008)