Thu hồi và tái sử dụng Crôm (VI) bằng phương pháp điện hóa từ dung dịch thụ động hóa
13/08/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do CN Trần Mai Hân, TS Nguyễn Nhị Trự (Viện kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường) thực hiện vừa được Sở KH&CN tiến hành nghiệm thu.
Theo số liệu thống kê trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 641 nhà máy, cơ sở phát sinh nước thải chứa kim loại nặng với tổng lượng kim loại phát thải vào môi trường khoảng 200-282 kg/ngày. Trong đó lượng Crôm là cao nhất 126-177kg. Crôm ở dạng kim loại không độc nhưng hợp chất của crôm có oxi hóa +6 lại rất độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Vì thế đề tài xây dựng nhằm giải quyết việc xử lý dung dịch thải chứa Cr (VI), khép kín quy trình sử dụng nó và từng bước chuyển sang sử dụng công nghệ khác.
Nghiên cứu tiến hành khảo sát tình hình thu hồi và tái sử dụng Crôm tại TP. HCM qua 3 đơn vị: công ty Hoàng Kim (Khu công nghiệp Tân Tạo), nhà máy quy chế III (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) và Công ty Cổ phần sản xuất thương mại LIDOVIT (Khu công nghiệp Bình Chiểu). Kết quả cho thấy, khối lượng nước thải chứa Cr (VI) khá lớn, thành phần đa dạng. Tuy nhiên, có thể thực hiện công đoạn thu hồi và tái sử dụng Cr (VI) trên dây chuyền công nghệ mà không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
Từ thực tế đó, nghiên cứu đề xuất khả năng thu hồi và tái sử dụng Cr (VI) theo phương pháp điện thẩm tách kết hợp với oxy hóa khử điện hóa và sử dụng sứ xốp làm màng; chì, platin, DSA làm anốt tùy theo thành phần dung dịch thải. Theo đó, quy trình gồm hai giai đoạn: giai đoạn khơi mào (từ bể chứa dung dịch thụ động hóa thải được bơm vào vùng catot - thiết bị phản ứng điện thẩm tách. Vùng anot chứa dung dịch thụ động pha mới. Tiến hành điện phân trong 3 giờ) và giai đoạn tuần hoàn (sau 3 giờ điện phân, dung dịch catot được lọc bỏ bùn rồi cho vào vùng anot của thiết bị. Tiếp tục bơm dung dịch thụ động hóa thải từ bể chứa dung dịch thu hồi vào vùng catot của thiết bị và tiếp tục thực hiện trong 3 giờ. Sau khi điện phân, dung dịch ở vùng anot được tháo vào bể chứa dung dịch thu hồi để sử dụng làm dung dịch thụ động).
Nghiên cứu cho rằng, đây là phương pháp phù hợp với điều kiện các đơn vị trên địa bàn thành phố giúp giảm đáng kể chi phí xử lý nước thải và thu hồi được chi phí đầu tư nhanh (trong khoảng 2,3 năm).
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của đề tài.
Bích Hằng