Tắc ruột trong ung thư đại trực tràng tại bệnh viện Trung ương Huế
14/05/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do 2 tác giả Phạm Như Hiệp, Mai Đình Điểu và cộng sự thực hiện nhằm nghiên cứu đặc điểm biến chứng tắc ruột của ung thư đại trực tràng; thái độ xử trí và kết quả điều trị tắc ruột do ung thư đại trực tràng.
Nghiên cứu tiến hành với 65 bệnh nhân (41 nam - 63,1%, 24 nữ - 36,9%) được chẩn đoán tắc ruột do ung thư đại trực tràng, được điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế từ 1/2000-12/2006.
Kết quả, tuổi trung bình bệnh nhân là 55,4, tỷ lệ bệnh nhân vào viện muộn sau khi có triệu chứng chiếm đa số (40%). Các triệu chứng của tắc ruột do ung thư đại trực tràng thường gặp là đau bụng, bí trung đại tiện, chướng bụng… Hình ảnh tắc ruột (X-quang), hình ảnh khối u trên siêu âm chiếm tỷ lệ cao nhất là khi có sử dụng thêm siêu âm 4 D trong chẩn đoán tắc ruột. Các xét nghiệm có độ đặc hiệu cao như nội soi và chụp đại tràng có cản quang ít thực hiện thường quy do đặc điểm của bệnh nhân. Ung thư biểu mô tuyến 92,3%. Giai đoạn Duke C và D chiếm 64,5% tương xứng với tình trạng vào viện muộn của bệnh nhân (52%). Phẫu thuật triệt để 75,4%, trong đó có tới 13,8% số bệnh nhân được làm 2 thì. Bước đầu có 6 bệnh nhân (9,2%) được phẫu thuật nội soi. Có 14,5% bệnh nhân được điều trị tạm thời với nối tắt và hậu môn nhân tạo. Việc phẫu thuật triệt để đối với u đại trực tràng có biến chứng phụ thuộc vào giai đoạn giải phẫu bệnh và thời gian bệnh nhân vào viện sớm hay muộn, nhưng việc phẫu thuật 1 thì hay 2 thì lại phụ thuộc vào vị trí thương tổn, tình trạng bệnh nhân và điều kiện phẫu thuật. Tỷ lệ tử vong sau mổ là 4,6%, tuy nhiên do chưa theo dõi được toàn bộ hiện tượng xa nên đây là một giới hạn của đề tài.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 2/2008)