Độ bền nhiệt, khả năng chống cháy và tính chất điện của vật liệu composit poly (vinyl clorua)/ khoáng sét
25/05/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Thái Hoàng, Nguyễn Thạc Kim, Nguyễn Vũ Giang, Đỗ Quang Thẩm thực hiện nhằm nghiên cứu độ bền nhiệt, khả năng chống cháy và các tính chất điện của vật liệu composit chế tạo từ PVC đã hóa dẻo bằng DOP và khoáng sét (đã được biến tính bằng tri (n- hexadecyl) amoni clorua).
Nguyên liêu để nhóm tiến hành nghiên cứu bao gồm: bột PVC mác TH- 1600 do Nhật Bản sản xuất, chất ổn định Irglastab17M; dầu đậu nành epoxy hóa của Malayxia; khoáng sét ở dạng bột là khoáng sét tự nhiên montmorilonit đã tinh chế, có độ trương nở 500 lần; chất dẻo dioctyl phtalat (DOP).
Lấy PVC, DOP, chất ổn định gồm Irglastab17M, dầu đậu nành epoxy hóa được trộn theo tỉ lệ xác định và ủ trong tủ sấy có không khí đối lưu ở 1000C trong 2 giờ để DOP và các phụ gia có thể thẩm thấu vào các đại phân tử PVC. Kết thúc quá trình ủ thu được hỗn hợp PVC khô và tơi. Tiếp đó, trộn nóng chảy hỗn hợp PVC thu được bột nanokhoáng sét biến tính trên máy trộn nội ở nhiệt độ 1800C trong 3 phút, tốc độ roto 50 vòng/phút. Mẫu được lấy ra nhanh chóng ép thẳng trên máy ép thủy lực ở 2000C trong vòng 2 phút với lực ép 10-12 Mpa. Bảo quản mẫu ép trong điều kiện chuẩn ít nhất 24 giờ trước khi xác định các tính chất của vật liệu.
Kết quả cho thấy, độ bền nhiệt của vật liệu composit PVC/DOP/ khoáng sét đã được cải thiện đáng kể khi hàm lượng khoáng sét là 1%, các hàm lượng khoáng sét lớn hơn khả năng nâng cao độ bền nhiệt cho vật liệu composit không rõ rệt. Khoáng sét làm giảm thời gian cháy của các vật liệu composit PVC/DOP/khoáng sét và có tác dụng như một chất chống cháy. Khoáng sét và DOP làm giảm khả năng cách điện của vật liệu composit PVC/DOP/khoáng sét nhưng vật liệu composit thu được vẫn là vật liệu cách nhiệt tốt. Vật liệu composit PVC/DOP/khoáng sét có điện áp đánh thủng cao hơn vật liệu PVC/DOP ở một số hàm lượng khoáng sét <=1,5% và hàm lượng DOP <= 30%.
BH (Theo tạp chí KH&CN, tập 45, số 3/07)