SpStinet - vwpChiTiet

 

Kết quả nghiên cứu trên 56 phòng xét nghiệm qua chương trình bảo đảm chất lượng hợp tác nội hoá sinh Australia - Việt Nam

Đề tài do các tác giả Vũ Quang Huy (ĐH Y dược TP.HCM, hội Hoá sinh y học Việt Nam), Đặng Vạn Phước (ĐH Y dược TP.HCM), Lý Ngọc Kính (cục Quản lý khám, chữa bệnh - bộ Y tế) thực hiện nghiên cứu đánh giá thực trạng chất lượng xét nghiệm qua chương trình bảo đảm chất lượng hợp tác hội Hóa sinh Australia - Việt Nam.

Chất lượng xét nghiệm đã và đang là mối quan tâm không chỉ của trực tiếp người bệnh, các nhà chuyên môn, quản lý mà còn của cả xã hội. Để nâng cao chất lượng xét nghiệm, nhiều nỗ lực đã và đang diễn ra nhằm thiết lập hệ thống quản lý chất lượng.
Nghiên cứu tiến hành với các phòng xét nghiệm có làm các xét nghiệm hoá sinh lâm sàng thuộc các bệnh viện công (trung ương và địa phương), bệnh viện tư nhân… tại miền Bắc, Trung, Nam (chiếm đa số, nhất là TP.HCM), phục vụ xây dựng chương trình bảo đảm chất lượng (Ngoại kiểm chất lượng) hợp tác với sự giúp đỡ của hội Hoá sinh lâm sàng Australia.
Kết quả cho thấy, mối quan tâm, tự nguyện tham gia chương trình của các phòng xét nghiệm tăng rất rõ: giai đoạn 1 (6/2006) chỉ có 60% số phòng xét nghiệm gửi trả kết quả, giai đoạn 2 (6/2007) tỷ lệ này là 85%. Một số xét nghiệm được thực hiện khả quan: xét nghiệm đạt giới hạn cho phép tiêu chuẩn của Úc (ALT: 76% số phòng xét nghiệm tham gia, Acid Uric: 62% số phòng xét nghiệm tham gia); xét nghiệm có hệ số biến thiên (CV) thấp: nhóm xét nghiệm điện giải (Natri – Sodium: CV 4.1% - mẫu kiểm tra mức 1; 4.3% - mức 2). Kết quả nghiên cứu chỉ ra 1 số xét nghiệm có hệ số biến thiên (CV) quá cao, còn cần nhiều cải thiện: ALP (Phosphatase kiềm): CV 24,6% (mẫu kiểm tra mức 1), 29% (mức 2); Bilirubin toàn phần: CV 13,8% (mẫu kiểm tra mức 1), 15,7% (mức 2); Calci: CV 22,9% (mẫu kiểm tra mức 1), 36,8% (mức 2); GGT: CV 17,1% (mẫu kiểm tra mức 1), 17,4% (mức 2); Urê: CV 19,96% (mẫu kiểm tra mức 1), 19,56% (mức 2).
Như vậy, chương trình đã đạt được các mục tiêu đề ra bởi nghiên cứu cho phép đánh giá sơ bộ về kết quả xét nghiệm như đã nêu. Chương trình đã phát triển cho 56 phòng xét nghiệm tham gia miễn phí, giúp các phòng xét nghiệm làm quen với chương trình bảo đảm chất lượng (Ngoại kiểm chất lượng hay thử thành thạo). Kết quả trả về đã giúp các phòng xét nghiệm tự đánh giá chất lượng. Đây là bước chuẩn bị cho các phòng xét nghiệm và tổ chức chương trình sẵn sàng cho triển khai các chương trình bảo đảm chất lượng quy mô lớn hơn, thường quy hơn.
LV (nguồn: TC Y học thực hành số 3/2008)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả