Nuôi trồng thử nghiệm 2 chủng tảo lam spirulina platensis CNT và spirulina platensis C1 trong các loại nước khoáng Thạch Thành- Thanh Hóa, Thanh Tân- Thừa Thiên Huế, Thanh Liêm – Hà Nam.
03/07/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Hoàng Sỹ Nam, Đặng Diễm Hồng (Viện Công nghệ sinh học) thực hiện đánh giá khả năng sinh trưởng và chất lượng của các chủng tảo trong 3 môi trường nước khoáng thuộc 3 địa điểm. Đồng thời đánh giá các chỉ tiêu hóa lí của môi trường trước và sau khi nuôi tảo làm cơ sở cho việc thiết lập qui trình nuôi đại trà làm giảm chi phí đầu tư, kéo dài thời gian và thu sinh khối tảo tối đa giữa các đợt nuôi.
Vật liệu để tiến hành thí nghiệm bao gồm: Nguồn nước khoáng được lấy từ các nguồn nước khoáng thuộc 3 tỉnh Thạch Thành- Thanh Hóa, Thanh Tân- Thừa Thiên Huế, Thanh Liêm – Hà Nam được kí hiệu tương ứng là TH, HU,HN. Các hóa chất có độ tinh sạch cao được dùng để pha môi trường Zarrouch. Phân hóa học N:P:K của nhà máy sản xuất phân bón Lâm Thao. Các hóa chất chuyên dùng như: axeton, clô-rô-phooc, metanôn… Ngoài ra, còn dùng một số loài thuốc thử để phân tích hàm lượng các chất có trong môi trường nuôi tảo.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, trong 3 loại nước khoáng TH, HU, HN được sử dụng để nuôi trồng tảo S.platensis, nước khoáng TH có thành phần dinh dưỡng tốt nhất để nuôi trồng tảo. Hai loại nuớc khoáng này có thành phần thông số lý hóa tương tự nhau.
Cả ba loại nước khoáng TH, HU và HN đều có thể sử dụng để nuôi trồng tảo S.platensis, trong đó nước khoáng nước khoáng TH cho tốc độ sinh trưởng của tảo cao nhất.
Như vậy, có thể sử dụng nước khoáng TH, để nuôi trồng cả hai chủng tảo S.platensis CNT và C1 với công thức môi trường MT2. Với môi trường này chi phí cho nuôi tảo có thể giảm được ½ mà chất lượng tảo vẫn đảm bảo so với nuôi bằng môi trường Zarrouch chuẩn. Trong 2 chủng CNT và C1, chủng CNT có tốc độ sinh trưởng cao gấp 5 lần so với chủng C1.
Thành phần hóa của hai chủng tảo CNT và C1 khi được nuôi trồng trong các môi trường khác nhau có khác nhau song vẫn đảm bảo được chất lượng để làm thực phẩm cho con người và động vật nuôi.
BH (Theo Tạp chí Sinh học, số 1/08)