Một số dẫn liệu về thức ăn của bò tót Bos Gaurus H. Smith, 1927 (Artiodactyla: Bovidate) ở Việt Nam.
05/08/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Mạnh Hà (Trung tâm nghiên cứu tài nguyên môi trường, ĐHQG Hà Nội) và Trần Đình Nghĩa (Đại học khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) thực hiện nhằm trình bày kết quả nghiên cứu về sự phân bố và sinh thái của bò tót.
Đề tài tiến hành nghiên cứu trong 2 năm từ 2004 đến 2006 trong cả nước. 8 khu vực được điều tra thức ăn của bò tót là: khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa), Pù Hoạt (Nghệ An), Đak Rông (Quảng Trị), Ea Sô, vườn quốc gia Yok Đôn (Đăk lắk), Bù Gia Mập (Bình Phước) và Cát Tiên (Đồng Nai). Các mẫu thức ăn của bò tót được thực hiện cả mùa khô và mùa mưa để đảm bảo số lượng các loài thực vật được ghi nhận mang tính đại diện cao nhất. Hơn 234 mẫu thực vật xác định là của bò tót được thu thập để định loại.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thức ăn của bò tót rất đa dạng, gồm nhiều loài thực vật phân bố ở nhiều kiểu rừng khác nhau, tương đối phong phú về loài (125 loài thuộc 42 họ thực vật) và dạng (lá, ngọn, thân). Sự phân bố các loài thức ăn của bò tót thể hiện tương đối rõ sự thích nghi của bò tót ở các kiểu rừng thứ sinh, rừng thưa hay các trảng cỏ. Vì thế đề tài cho rằng, để quy hoạch một vùng sống thích hợp cho bò tót cần phải tính toán một tỉ lệ thích hợp giữa các dạng sinh cảnh.
Bò tót là loài có tính thích ứng cao với nhiều loại thức ăn. Sự thích ứng đó với nhiều loại thức ăn cho thấy tiềm năng có thể thuần dưỡng và phát triển bò tót trong điều kiện nuôi nhốt cũng như khả năng phát triển một chương trình bảo tồn ngoại vi.
BH (theo Tạp chí Sinh học, số 2/08)