Khảo sát các trường hợp chấn thương sọ não tại trung tâm y tế huyện Củ Chi – TP. Hồ Chí Minh
05/08/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Nguyễn Văn Châu, Hoàng Công Điền và cộng sự thực hiện khảo sát các trường hợp chấn thương sọ não để ghi nhận và rút ra những nhận xét ban đầu sau 1 năm (9/2004-8/2005) triển khai phẫu thuật cấp cứu chấn thương sọ não tại Trung tâm y tế (TTYT) huyện Củ Chi.
Nghiên cứu tiến hành với tất cả bệnh nhân bị chấn thương đầu nhập viện tại khoa Ngoại, TTYT huyện Củ Chi trong thời gian từ 10/9/2004-29/8/2005, được chụp CT scan tối thiểu 1 lần.
Kết quả, tổng số trường hợp bệnh thu nhận là 2659, nam chiếm 63,56%, 52,2% bệnh nhân ở trong độ tuổi lao động (15-40 tuổi). Đa số vẫn là tai nạn giao thông (58,1%) trong đó phần lớn do điều khiển xe gắn máy. Số chuyển viện giảm đáng kể từ khi có mổ chấn thương sọ não, số bệnh nhân được điều trị tại chỗ tăng cao. Chiếm đa số bệnh nhân đến điều trị nội trú và ngoại trú tại khoa Ngoại thần kinh, TTYT huyện Củ Chi là các bệnh lý liên quan đến cấp cứu ngoại khoa (máu tụ ngoài – dưới màng cứng, dập não – máu tụ trong não…). Về số trường hợp phẫu thuật, có 6,5% (126/1926) tổng số ca nhập viện nội trú được phẫu thuật cấp cứu tại đơn vị. Trong đó 42,86% là máu tụ ngoài màng cứng cấp tính. Đây là 1 chỉ định khẩn cấp, bệnh nhân trong tình trạng nặng nhưng nếu phẫu thuật sớm sẽ có kết quả rất ngoạn mục, hầu hết đều trở về cuộc sống bình thường, ít có di chứng thần kinh. Các trường hợp có nhiều tổn thương phối hợp (6,35%) như máu tụ ngoài màng cứng có máu tụ dưới đối bên, máu tụ trong não – dập não xuất huyết đối bên… là những trường hợp rất nặng có nhiều khó khăn trong xử trí, tiên lượng xấu… Hậu phẫu phục hồi tốt, không di chứng thần kinh (GOS = 5) chiếm 71,43%, tử vong trong và sau mổ 7,14% (9/126). Để giảm tỷ lệ này, cần thiết giảm thời gian từ khi bị tai nạn đến khi nhập viện phẫu thuật, nghĩa là cần tăng cường khả năng cấp cứu ngoại viện của đơn vị cùng với việc tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân các kỹ năng sơ cấp cứu và thông báo nhanh về đơn vị khi có tai nạn.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 4/2008)