Phân lập được vi tảo biển dị dưỡng Schizochytrium giàu DHA ở vùng biển huyện đảo Phú Quốc
06/08/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Đặng Diễm Hồng, Hoàng Lan Anh, Ngô Thị Hoài Thu (Viện công nghệ sinh học) thực hiện nhằm phân lập và nuôi cấy ổn định 2 chủng vi tảo Schizochytrium trong phòng thí nghiệm.
Vi tảo Schizochytrium là chi vi tảo biển dị dưỡng thứ 2 thuộc họ Thraustochytriidae được phát hiện và phân lập ở Việt Nam. Trên thế giới chúng đang được sử dụng để sản xuất thương mại DHA, làm thức ăn bổ sung cho người và động vật nuôi.
Từ các mẫu lá cây trôi dạt ở ven bìa rừng ngập mặn thuộc vùng biển huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang, nhóm tác giả rủa sạch cho vào ống nghiệm chứa 5ml nước biển nhân tạo đã khử trùng và bổ sung phấn thông. Sau đó, các ống nghiệm được giữ ở 28
0C trong bóng tối. Sau 24 giờ dùng que cấy platin thu lấy phấn thông nổi trên bề mặt nước. 3-5 ngày sau, nhóm nghiên cứu đã quan sát được vi tảo Schizochytrium có dạng hình tròn, tập trung thành từng cụm bao quanh hạt phấn thông. Đặc biệt, việc cấy chuyển trên môi trường GPYc nhiều lần giúp đề tài thu được 2 khuẩn lạc Schizochytrium sạch vi khuẩn và nấm: PQ6 và PQ7.
Hai chủng PQ6 và PQ7 có hàm lượng axit béo tổng số chiếm hơn 90% lipit. Hàm lượng axit bão hòa và không bão hòa của hai chủng khá cao (trên 52%; trên 46% và trên 51%; trên 41%). Với hàm lượng DHA cao thu được từ hai chủng Schizochytrium sp. PQ6 và PQ7 nghiên cứu đã phân lập là 1,57 và 1,48 g/l. Điều này chứng tỏ các chủng vi tảo dị dưỡng Schizochytrium là đối tượng tiềm năng cần được nghiên cứu để nuôi trồng, thu sinh khối giàu các PUFAs như DHA.
BH (Theo Tạp chí Sinh học, số 2/08)