Ngày 11/12, tại TP.HCM, Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) đã tổ chức hội thảo giới thiệu các công cụ quản lý SA 8000 – TQM – ISO 27000 nhằm bước đầu tiếp cận, triển khai các công cụ quản lý này và đánh giá kết quả tư vấn triển khai một số công cụ quản lý khác mà trung tâm đã thực hiện.
SMEDEC 2 là đơn vị trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) có chức năng đào tạo và tư vấn các kiến thức, kỹ năng quản trị nói chung và các tiêu chuẩn quản trị nói riêng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Theo đó, SA 8000 (Social Accountability 8000) là một bộ tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội, khuyến khích các tổ chức, công ty, đơn vị xây dựng, duy trì và áp dụng các việc thực hành tại nơi làm việc mà xã hội có thể chấp nhận. Tiêu chuẩn SA 8000 do Tổ chức Trách nhiệm xã hội quốc tế (SAI) - một thành viên của Hội đồng về Quyền ưu tiên kinh tế - xây dựng năm 1998. Thuật ngữ “Trách nhiệm xã hội” trong tiêu chuẩn SA 8000 đề cập đến điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan như: lao động trẻ em; lao động cưỡng bức; an toàn sức khoẻ; thời gian làm việc; thù lao và hệ thống quản lý… Nhìn chung, SA 8000 có ý nghĩa ngăn ngừa sự lạm dụng lao động trẻ em, lao động tù nhân và đối xử phân biệt lao động nam nữ, dân tộc, tôn giáo, làm tăng trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động, hướng tới cải thiện điều kiện làm việc… trong các doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, SA 8000 đang được triển khai trong khuôn khổ dự án SEAL (Social Standards Exchange of Experience in Southeast Asia and Practical Learning) – Trao đổi và học tập kinh nghiệm thực tế về các tiêu chuẩn xã hội tại Đông Nam Á, do Tổ chức InWent (Tổ chức bồi dưỡng và nâng cao năng lực quốc tế, CHLB Đức) và SMEDEC 2 thực hiện.
TQM (Total Quality Management) là hệ thống quản lý chất lượng toàn diện đang được SMEDEC 2 triển khai thông qua một đề tài khoa học cấp Bộ “triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện trong các doanh nghiệp Việt Nam” trong 2 năm 2008-2009. Ông Phạm Bá Cứu, chủ nhiệm đề tài cho biết, TQM là một hệ thống quản lý có tính khoa học và toàn diện, tập trung vào yếu tố con người, phát huy yếu tố con người trong quản lý chất lượng. Chất lượng không chỉ là chất lượng của sản phẩm mà là chất lượng toàn diện (bao gồm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chất lượng môi trường, chất lượng quá trình, chi phí, giao hàng, an toàn…) tức là chất lượng của toàn bộ các hoạt động trong doanh nghiệp. Nói nôm na, TQM khác với ISO 9000 ở chỗ, ISO 9000 chỉ đặt ra và giải quyết câu hỏi phải làm gì (tức là một định hướng có sẵn), còn TQM hướng đến câu hỏi phải làm như thế nào (nâng cao tính chủ động sáng tạo hơn)… Do đó, TQM hướng đến thỏa mãn chất lượng không chỉ cho khách hàng mà còn với nội bộ công ty, đơn vị, tổ chức… Hiện TQM đã được SMEDEC 2 tư vấn áp dụng cho 20 doanh nghiệp trong cả nước và sắp tới sẽ hỗ trợ triển khai thêm cho nhiều doanh nghiệp nữa. Phát biểu tại hội thảo, TS. Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng/Phụ trách văn phòng phía Nam, Bộ KH&CN đánh giá cao vai trò của TQM trong việc giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa dịch vụ, sản phẩm. Tuy nhiên, để doanh nghiệp áp dụng hiệu quả phải cần đến một đội ngũ tư vấn, chuyên gia tốt, khẳng định được tính tối ưu của TQM…
ISO 27000 là bộ tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý quan toàn thông tin (ISMS: Information Security Management System), gồm 7 tiêu chuẩn cụ thể, trong đó ISMS ISO 27001:2005 xác định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý an toàn thông tin. ISMS ISO 27001:2005 là một phần của hệ thống quản lý tổng thể dựa trên cách tiếp cận rủi ro trong hoạt động để xây dựng, thực hiện, vận hành, giám sát, duy trì và cải tiến sự an toàn thông tin. Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin kéo theo không ít nguy cơ bị mất an toàn thông tin thì việc áp dụng ISO 27001:2005 chính là cách giảm thiểu các rủi ro liên quan tới an toàn thông tin, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Đại diện SMEDEC 2 cũng cho biết, quá trình tư vấn triển khai áp dụng ISO 9001:2000 (bộ tiêu chuẩn ISO 9000) vào các cơ quan quản lý hành chính nhà nước theo QĐ 144 của Thủ tướng chính phủ còn tồn tại một số khó khăn liên quan đến các vấn đề về cơ chế phối hợp áp dụng, nhận thức và thái độ hợp tác của doanh nghiệp, quy định phạm vi áp dụng chưa rõ ràng nên còn nhiều lúng túng…
Lam Vân