Đa dạng di truyền ở các quần thể căm xe và quan hệ giữa khối lượng hạt với sinh trưởng của cây con
20/08/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Lê Đình Khả, Trần Hồ Quang, Lương Thị Hoan (Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng), Tpio Luoma-Aho (Viện nguồn gen thực vật quốc tế), Vương Hữu Nhi (Văn phòng tỉnh ủy Đắc Lắc) thực hiện nghiên cứu tính đa dạng sinh học ở các quần thể căm xe tự nhiên và sinh trưởng của cây con.
Nghiên cứu tiến hành với qủa, hạt và cây con 3 tháng tuổi mọc từ hạt lấy từ các xuất xứ căm xe (Xylia xylocarpa, một loài cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao…) tại Sa Thầy (Kon Tum) ở độ cao 400m, Ea Hleo (Đắc Lắc) ở độ cao 650m, Ninh Hòa (Khánh Hòa) ở độ cao 30-40m, Ninh Sơn (Ninh Thuận) ở độ cao 40-50m và Tịnh Biên (An Giang) ở độ cao 80m.
Kết quả cho thấy, trong tự nhiên các quần thể căm xe có diện tích lớn, ít bị phá hoại và ở trung tâm khu phân bố có mức độ đa dạng di truyền lớn hơn các quần thể có diện tích nhỏ, bị phá hoại nhiều và ở vùng biên khu phân bố. Theo quan hệ di truyền có thể chia các quần thể căm xe ở nước ta thành 2 nhóm là nhóm Khánh Hòa – Ninh Thuận và nhóm Tây Nguyên (An Giang gần nhóm này). Biến dị về kích thước và khối lượng hạt căm xe giữa các cây trong một quần thể lớn hơn giữa các quần thể và không tương quan với biến dị về chiều cao cây con ở giai đoạn 3 tháng tuổi. Lá căm xe có thay đổi trong quá trình phát triển cá thể. Bắt đầu là 2 lá đơn khi mới nảy mầm đến lá kép lông chim một lần (2-6 lá chét) rồi kép lông chim 2 lần hình chữ V có cuống sơ cấp ngắn (mỗi lá kép thứ cấp gồm 6-14 lá) ngay ở giai đoạn vườn ươm.
LV (nguồn: TC NN&PTNT số 3/2008)