Điều chế axit alginic giàu các hợp phần axit polymannuronic và axit polyguluronic bằng phương pháp thủy phân.
14/08/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Chu Đình Kính (Viện hóa học- Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam), Trần Vĩnh Thiện (Khoa hóa sinh- Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên), Đinh Quang Khiếu (Trường đại học khoa học, Đại học Huế) thực hiện nhằm điều chế axit alginic giàu các hợp phần axit mannuronic (MM) và các axit guluronic (GG). Đặc trưng của các sản phẩm điều chế được khảo sát bằng (1) H-NMR và XRD.
Nguyên liệu đề tài sử dụng để nghiên cứu là rong mơ thu được ở ven biển phía Bắc đèo Hải Vân vào tháng 5/2004. Đây là khoảng thời gian rong mơ có hàm lượng và chất lượng alginat cao. Rong sau khi thu hoạch được trộn đều, rửa nước ngọt, phơi khô dưới ánh nắng, đóng gói và bảo quản nơi khô ráo.
Bằng phương pháp điều chỉnh pH để kết tủa phân đoạn, đề tài đã điều chế được các phân đoạn alginat giàu M, giàu G từ alginat tách ra từ rong mơ Thừa Thiên Huế. Các sản phẩm điều chế được khảo sát bằng phương pháp đo độ nhớt, phổ 1H-NMR, phép nhiễu xạ tia X. Kết quả cho thấy, các sản phẩm điều chế được khá thuần nhất về thành phần monome, hiệu suất và phân tử lượng trung bình của của alginat giàu G cao hơn so với alginat giàu M.
Ngoài ra, quá trình khảo sát các đặc trưng của sản phẩm bằng nhiễu xạ tia X cũng mở ra việc có thể áp dụng phương pháp XRD để xác định tỉ lệ M/G – một chỉ số quan trọng giúp cho việc sử dụng một cách hợp lý các sản phẩm alginat.
BH (Theo Tạp chí hóa học, số 1/08)