Phân tích đa dạng di truyền của 90 giống lúa mùa địa phương lưu trữ trong ngân hàng gen Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long
05/09/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Phạm Thị Bé Tư, Bùi Thị Dương Khuyều, Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL), Celsa Quinio (ĐH Nông nghiệp Philippin), Bùi Chí Bửu (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) thực hiện nghiên cứu, đánh giá sự đa dạng của các giống lúa địa phương trong ngân hàng gen của Viện Lúa ĐBSCL.
Nghiên cứu tiến hành đánh giá sự đa dạng của 90 giống lúa mùa địa phương (những giống lúa thơm ở Việt Nam có năng suất cao) bằng phương pháp marker phân tử và phương pháp đánh giá hình thái, đồng thời phân tích mối tương quan giữa các tính trạng để áp dụng cho việc chọn giống. Các thí nghiệm thực hiện tại khu thí nghiệm của Viện Lúa ĐBSCL trong thời gian từ 7/2005-1/2006.
Theo đó, những hiểu biết và thông tin về sự biến đổi của gen và mối quan hệ của chúng về các đặc điểm hình thái và di truyền là công cụ để xác định giá trị của việc thu thập, sử dụng và bảo tồn nguồn gen. Đặc điểm mô tả về hình thái và phương pháp marker phân tử đã cung cấp những thông tin có giá trị về đa dạng di truyền của các giống trong ngân hàng gen của Viện Lúa ĐBSCL. Sử dụng các chỉ tiêu nông học để đánh giá, kết quả phân tích ANOVA cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa rất lớn trừ số bông trên cây và năng suất. Thông qua hệ số tương quan cho thấy, tất cả các tính trạng có sự tương quan chặt chẽ với nhau, trừ tính trạng năng suất, tương quan thấp với các tính trạng khác. Chỉ số đa dạng của các giống rất cao, biến động từ 0,68 đến 0,95, trung bình là 0,88. Phân nhóm di truyền dựa vào các tính trạng hình thái và nguồn gốc phân bố đã chia các giống ra làm 6 nhóm: I, II, III, IV, V và VI ở hệ số tương đồng 20,61. Phân nhóm dựa vào SSR (Microsatellite) marker, kết quả cho thấy, đây là phương pháp rất hữu hiệu để đánh giá sự đa dạng di truyền của các giống lúa. Phân nhóm UPGMA dựa vào khoảng cách di truyền đã chia các giống ra làm 8 nhóm: I, II, III, IV, V, VI, VII và VIII. Phương pháp này đưa ra kết quả khá chính xác về mối quan hệ di truyền của các giống, điều này đã được chứng minh qua kết quả phân tích. Từ đó đề tài đưa ra một số đề nghị là: tiếp tục đánh giá các giống lúa mùa với nhiều đặc điểm hình thái và mô tả chi tiết hơn ở các tính trạng đó, đồng thời phân tích mối tương quan giữa chúng; tiếp tục phân tích với số lượng cặp đôi nhiều hơn để đưa ra những thông tin hữu hiệu cho việc chọn giống tạo ra các giống mới năng suất cao, phẩm chất tốt cũng như tìm ra một số gen tốt chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường.
LV (nguồn: TC NN&PTNT số 4/2008)