Tìm hiểu quy luật phối ngũ sài hồ quế chi thang
29/10/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn (Trường ĐH Dược Hà Nội) thực hiện tìm hiểu quy luật phối ngũ sài hồ quế chi thang.
Phương pháp chính giao thiết kế (Orthogonal design) với đặc điểm phân bố đồng đều, so sánh toàn diện thường được dùng để nghiên cứu xây dựng công thức bào chế tối ưu trong sản xuất dược phẩm và cũng là phương pháp hữu hiệu trong nghiên cứu quy luật phối ngũ của phương thuốc cổ truyền.
Nghiên cứu tiến hành với các vị thuốc sài hồ, quế chi, hoàng cầm, bạch thược, nhân sâm, cam thảo…; các phương sài hồ quế chi thang được tổ hợp theo tỷ lệ quy định của bảng thử nghiệm chính giao…; thuốc đối chiếu Aspirin 0,5g/viên; nấm men; nhiệt kế điện tử; động vật thí nghiệm (chuột cống trắng)…; nghiên cứu tác dụng hạ sốt và tác dụng giãn cơ trơn của sài hồ quế chi thang (được cấu thành từ 2 phương thuốc là tiểu sài hồ thang và quế chi thang).
Kết quả cho thấy, về tác dụng hạ sốt, vai trò của quế chi thang lớn hơn tiểu sài hồ thang trong phương, còn về tác dụng giãn cơ trơn thì vai trò của tiểu sài hồ thang là rõ rệt nhất. Tuy nhiên, phân tích đồng thời hai chỉ tiêu hạ sốt và giãn cơ trơn bằng phép đánh giá cho điểm tổng hợp cho thấy, vai trò của tiểu sài hồ thang trong phương là lớn hơn quế chi thang. Điều này góp phần đánh giá vai trò, vị trí các nhân tố trong phương sài hồ quế chi thang, từ đó góp phần chứng minh tính khoa học và hợp lý trong nguyên lý tổ phương của sài hồ quế chi thang.
LV (nguồn: TC Dược học số 385, 5/2008)