Nghiên cứu hiện trạng sâu hại và biện pháp bọc bảo vệ măng các loài tre đang trồng phổ biến ở Việt Nam
04/03/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Lê Bảo Thanh, Bùi Trung Hiếu và PGS.TS Nguyễn Thế Nhã (Trường ĐH Lâm nghiệp) thực hiện nhằm xác định các loài sâu hại măng chính, lựa chọn và vật liệu bọc và kỹ thuật bọc măng hợp lý góp phần nâng cao hiệu quả phòng trừ tổng hợp sâu hại măng.
Nghiên cứu thực hiện tại 6 khu vực rừng trồng tre chính của miền Bắc Việt Nam là các huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa), Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), Ba Vì (tỉnh Hà Tây), Cầu Hai (tỉnh Phú Thọ), Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) và Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) từ tháng 4-8/2007.
Kết quả, đã phát hiện 8 loài sâu hại măng thuộc 5 họ, 5 bộ. Căn cứ vào mức độ gây hại và mật độ của chúng đã xác định ra 5 loài sâu hại chính thuộc 2 nhóm là vòi voi (họ Curculionidae) và bọ xít (họ Pentatimodae). Đó là các loài vòi voi lớn (Cyrtotrachelus buqueti), vòi voi chân dài (C. longimanus), vòi voi nhỏ (Oditognathus davidis), bọ xít đen (Notobitus meleagris) và bọ xít nâu (N. monatus Hisiao). Các loài sâu hại chính có phân bố rộng. Trên tất cả các khu vực nghiên cứu đều xuất hiện các loài sâu hại này. Ngoài khu vực rừng trồng điềm trúc, lục trúc, luồng, còn bắt gặp vòi voi chân dài và bọ xít đen trong các rừng tự nhiên. Vòi voi nhỏ mới thấy trong các rừng trồng điềm trúc, lục trúc. Mức độ gây hại của các loài vòi voi rất lớn: có tới 48,43% số măng bị hại ở mức nghiêm trọng, làm cho măng bị chết. Vật liệu bọc thích hợp là túi nilon trắng và xanh, dài 1,6m-1,8m, đường kính miệng 20cm, đường kính đáy 30cm. Cần bọc bảo vệ đúng kỹ thuật để tăng hiệu quả phòng trừ sâu hại: sử dụng cành đỡ túi, bọc ngay khi măng mới nhú khỏi mặt đất khoảng 15-20cm. Biện pháp bọc bảo vệ măng đảm bảo có hiệu quả kinh tế, hiệu quả phòng trừ và hiệu quả môi trường. Khi áp dụng biện pháp này, tỷ lệ măng bị hại giảm xuống rõ rệt, chỉ còn 6,67% măng bị hại so với ở đối chứng có tỷ lệ măng bị hại là 76,67%. Bọc bảo vệ măng có thể làm cho giá trị kinh tế của rừng trồng tăng gấp khoảng 2,67 lần so với không bọc.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 5/2008)