Chia sẻ kinh nghiệm về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc
24/12/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhằm giới thiệu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Trung Quốc đến các doanh nghiệp, các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT của Việt Nam, ngày 23/12, tại TP.HCM, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc và Cơ quan Nhãn hiệu Trung Quốc tổ chức hội thảo “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc”.
Các chuyên gia Trung Quốc đã giới thiệu hệ thống pháp luật về SHTT của Trung Quốc, hệ thống pháp luật về nhãn hiệu của Trung Quốc; chia sẻ kinh nghiệm tăng cường công tác tuyên truyền, tạo dựng cơ hội, khuyến khích hoạt động SHTT trong doanh nghiệp nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc; xu hướng bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc; đẩy mạnh chiến lược SHTT nhằm nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp…
Theo đó, việc thực thi quyền SHTT tại Trung Quốc được bảo vệ thông qua hệ thống tư pháp, biện pháp hành chính, cơ quan hải quan… Về các công tác đăng ký và quản lý nhãn hiệu, Cục Nhãn hiệu là đơn vị chịu trách nhiệm về các vấn đề này trên phạm vi toàn quốc, gồm các thủ tục nộp đơn đăng ký, kiểm tra tài liệu đơn, thẩm định nhãn hiệu, phản đối nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu… Các hoạt động SHTT trong doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp được Cơ quan SHTT Nhà nước triển khai như xây dựng trạm giao lưu hoạt động sáng chế toàn quốc và hoạt động trao đổi sáng chế giữa các doanh nghiệp, hoạt động thí điểm về chiến lược SHTT ngành, hoạt động thương mại hóa sáng chế quốc gia, tạo cơ hội giao dịch trưng bày các giải pháp kỹ thuật đã được cấp patent, hoạt động Tuần lễ sáng chế Trung Quốc, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác ứng dụng, thương mại hóa sáng chế và hoạt động SHTT trong doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp… Ngoài ra, Trung Quốc còn xác định chiến lược phát triển SHTT để nâng cao nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, gồm các nhiệm vụ chiến lược (tăng cường một cách toàn diện năng lực sáng tạo, vận dụng bảo hộ và quản lý SHTT trong doanh nghiệp; tạo ra hàng loạt các quyền SHTT tự chủ mang tính cạnh tranh trọng tâm; xây dựng hàng loạt các doanh nghiệp theo mô hình sáng tạo mang tính cạnh tranh quốc tế; nâng cao trình độ của các ngành nghề, tạo ra hàng loạt các ngành nghề có kỹ thuật công nghệ cao); các biện pháp bảo đảm thực hiện chiến lược SHTT của doanh nghiệp (hoàn thiện cơ chế quản lý vĩ mô của chính phủ, làm nổi bật vị trí chủ thể sáng tạo kỹ thuật của doanh nghiệp; cải cách sâu rộng thể chế kinh tế, tăng cường động lực nội tại sáng tạo kỹ thuật của doanh nghiệp; hoàn thiện hơn nữa công tác lập pháp, tư pháp và hành pháp, tạo ra một môi trường bảo hộ bằng pháp lý mạnh cho hoạt động sáng tạo và áp dụng, kinh doanh tài sản trí tuệ của doanh nghiệp...)
Lam Vân