Mối quan hệ giữa các hệ thống chăn nuôi với bệnh cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) và phản ứng của người chăn nuôi khi có dịch bệnh trên đàn gia cầm ở Việt Nam
05/01/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Vũ Đình Tôn, Phan Đăng Thắng (Trung tâm nghiên cứu liên ngành phát triển nông thôn, ĐH Nông nghiệp Hà Nội), S. Desvaux (CIRAD, PRISE Consortium in Vietnam, Viện thú y quốc gia, Hà Nội), M. Peyre, J-F. Renard, F. Roger (Trung tâm hợp tác quốc tế về nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, F34398, Montpellier, Pháp) thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ giữa các hệ thống chăn nuôi gia cầm và HPAI.
Nghiên cứu tiến hành từ tháng 3-8/2007 tại tỉnh Hà Tây (Đồng bằng sông Hồng) và Long An (Đồng bằng sông Cửu Long).
Theo đó, có 3 hệ thống chăn nuôi gia cầm chính bao gồm các hệ thống chăn nuôi gia cầm quy mô hàng hóa với sự đầu tư tốt chuồng trại (hệ thống 1); các hệ thống chăn nuôi gia cầm quy mô hàng hóa không có đầu tư chuồng trại (hệ thống 2); hệ thống chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ (hệ thống 3). Số lượng gia cầm được nuôi trong các hệ thống chăn nuôi gia cầm quy mô hàng hóa nhiều hơn rất nhiều hệ thống chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ. Số lượng các loài gia cầm được nuôi trong các hệ thống 2 và 3 nhiều hơn trong hệ thống 1. Tỷ lệ các nông hộ có đàn gia cầm bị mắc H5N1 trong giai đoạn 2003-2005 ở hệ thống 2 và 3 nhiều hơn hệ thống 1 (21%-59% so với 33%-36%). Hệ thống 2 và 3 có mức độ an toàn sinh học thấp, nhiều loại gia cầm được nuôi trong cùng một hộ gia đình với một diện tích dành cho chăn nuôi hạn chế hoặc chăn thả tự do… Hiểu biết về vệ sinh dịch tễ, phòng bệnh bằng vắc-xin cho đàn gia cầm còn hạn chế. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh trong đó có bệnh cúm H5N1. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, toàn bộ đàn gia cầm trong hệ thống 1 đều được tiêm phòng vắc-xin, trong khi chỉ có từ 875-90% trong hệ thống 2, 58% trong hệ thống 3 được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Việc bán chạy gia cầm, gồm cả gia cầm bị bệnh khi có dịch là phổ biến trong chăn nuôi, đây là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm dịch bệnh trong chăn nuôi. Nguồn con giống gia cầm được cung cấp phần lớn từ các lò ấp trứng gia cầm tư nhân, xong khâu kiểm soát vệ sinh ấp nở, chất lượng con giống còn bị hạn chế. Biện pháp tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên đàn gia cầm được tiêm, tuy nhiên vẫn có trường hợp đã tiêm rồi vẫn bị bệnh.
LV (theo TC NN&PTNT, 5/2008)