SpStinet - vwpChiTiet

 

Quản lý bệnh nhân bằng sóng truyền thanh RFID, tại sao không?

Thạc sĩ (Ths) Đào Văn Tuyết (Viện Cơ học và Tin học ứng dụng) cùng các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý bệnh nhân tại các bệnh viện trong nước, nhằm thay thế mã vạch trong việc xác định đường đi của thuốc, nhận dạng bệnh nhân, nâng cao hiệu quả, tính an toàn cho công tác điều trị.
 

Những năm gần đây, phương pháp quản lý người bệnh tại các bệnh viện gắn với sổ sách và thẻ đánh số… gây nên những nhầm lẫn trong công tác điều trị. Những sự cố như trả nhầm con cho một sản phụ tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Lâm Đồng năm 2005 (sau đó phải xét nghiệm AND); gây mê nhầm tại BV Chợ Rẫy; mổ “thoát vị bẹn phải” cho một người bệnh chỉ cần phẫu thuật lấy đinh vít ở đùi tại BV Đa khoa Quảng Ngãi năm 2007… đã gây nên những phiền toái cho bệnh nhân và bệnh viện.

Thẻ RFID được gắn trên người bệnh nhân với hình dạng một chiếc đồng hồ.
Để khắc phục sự cố kiểu này, rất nhiều bệnh viện đã thực hiện vi tính hóa hồ sơ khám chữa bệnh, một số bệnh viện như BV ĐH Y Dược TPHCM đã ứng dụng mã vạch trong công tác quản lý bệnh nhân, nhằm tăng hiệu quả khám chữa bệnh và hạn chế tối đa sai sót đáng tiếc. Khi đó, người bệnh nhập viện sẽ được cấp một thẻ khám bệnh có mã vạch tương ứng với các thông tin về bệnh nhân trên máy tính.

Tuy nhiên, theo Ths Đào Văn Tuyết, thiết bị đọc mã vạch chỉ hoạt động khi rà ở khoảng cách gần, không có vật cản. Hơn nữa, thẻ gắn mã vạch dễ bị biến dạng khi chịu tác động cơ học, chỉ một vết xước cũng có thể làm thay đổi hoàn toàn thông tin. Chính vì thế, Ths Đào Văn Tuyết cùng các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý bệnh nhân, nhằm thay thế mã vạch trong việc xác định đường đi của thuốc, nhận dạng bệnh nhân, nâng cao hiệu quả, tính an toàn cho công tác điều trị.

Ths Đào Văn Tuyết khẳng định, thẻ RFID có rất nhiều ưu thế: việc đọc thẻ không cần tiếp xúc trực tiếp, đầu đọc tự động đọc cùng lúc nhiều thẻ, kể cả khi đối tượng di động, thẻ RFID có thể ghi và cập nhật lại dữ liệu nhiều lần…

Việc triển khai hệ thống RFID tại các BV chi phí đầu tư không cao. Đầu đọc thẻ RFID và bộ cảm ứng có giá từ 1.000-3.500 USD/cái; giá mỗi thẻ vào khoảng 17-50 USD (thời gian sử dụng khoảng 6 năm). Như vậy, một BV nhỏ, diện tích sử dụng khoảng 3.000m², tiêu chuẩn tiếp nhận 1.000 bệnh nhân, chỉ phải đầu tư khoảng 5 đầu đọc (3.000 USD/cái) và 1.000 thẻ RFID (30 USD/cái), tổng kinh phí chưa tới 800 triệu đồng. Với các BV tuyến đầu, diện tích sử dụng 10.000-30.000m², khả năng tiếp nhận trên 5.000 bệnh nhân, chi phí đầu tư cũng chỉ vào khoảng 3-5 tỷ đồng.

Đây chính là cơ hội để các BV có thể trang bị hệ thống RFID nhằm quản lý và theo dõi tiến độ điều trị cho bệnh nhân tốt nhất. Trước tình trạng quá tải và không ít rối rắm trong công tác quản lý hệ thống BV nước ta hiện nay, thiết nghĩ Bộ Y tế nên xem xét đến kết quả của nhóm nghiên cứu trong nước này. Hơn nữa với số vốn đầu tư khoảng 45 ngàn tỷ đồng của dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi khó khăn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 7-2009 vừa qua, việc đầu tư hệ thống RFID cho khoảng 222 bệnh viên và các trung tâm y tế trong dự án (khoảng 700 tỷ đồng) là số tiền không quá lớn.

Công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) là kỹ thuật nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến từ xa, được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực như: giám sát quản lý hàng hóa trong các siêu thị, ngành bưu chính, chứng minh thư nhân dân, công tác quản lý bệnh nhân trong các cơ sở y tế các nước phát triển.
Hệ thống RFID gồm các thẻ RFID (thiết bị gắn với đối tượng theo dõi) và các đầu đọc thẻ (reader) được kết nối với nhau bằng qua một máy tính trung tâm. Thẻ RFID chứa chip và ăng ten, có thể lưu nhiều thông tin, dữ liệu, được bảo vệ bằng vỏ hợp chất rất bền chống lại sự phá hoại của hóa chất, nhiệt độ cao…
Với kích thước nhỏ gọn (nhỏ nhất bằng hạt gạo), có thể gắn thẻ RFID lên quần áo, thiết kế thành đồ trang sức (nhẫn, vòng đeo tay…) cho bệnh nhân sử dụng trong suốt quá trình điều trị. Song song đó, các đầu đọc được lắp đặt ở lối ra vào BV, các phòng bệnh (bán kính hoạt động khoảng 30m) sẽ phát đi tín hiệu sóng vô tuyến qua ăng ten và nhận tín hiệu phản hồi từ thẻ RFID chứa mã nhận dạng đối tượng (gắn trên bệnh nhân).
Đầu đọc sẽ giải mã, chuyển tới máy tính đầy đủ các thông tin như: vị trí, họ tên bệnh nhân, tên bệnh, bác sĩ phụ trách, đơn thuốc, nhóm máu, tiền sử bệnh, dị ứng thuốc… giúp cho công tác khám và điều trị bệnh nhanh chóng, chính xác, an toàn. 

 

TX (theo SGGP)

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả