Đề tài do các tác giả Tạ Văn Cần, Nguyễn Hữu Trà, Vũ Văn Tý, Nguyễn Đức Chuyên (Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Chăn nuôi miền Núi), Mai Văn Sánh (Bộ môn Sinh sản và thụ tinh nhân tạo – Viện Chăn nuôi) thực hiện đánh giá hiệu quả lai tạo cũng như khả năng phát triển của con lai, xác định một số biện pháp tạo trâu lai F1 và khảo sát khả năng sinh trưởng của trâu lai F1 và trâu địa phương cùng nuôi trong điều kiện nông hộ nhằm khuyến cáo kỹ thuật phát triển nhanh đàn trâu lai trong sản xuất.
Nghiên cứu tiến hành với trâu đực Murrah số 2775 và 2497 được huấn luyện đẻ lấy tinh tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Chăn nuôi miền Núi. Trâu đực Murrah sinh tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Chăn nuôi miền Núi có độ tuổi từ 7-24 tháng tuổi được nuôi ghép đàn và huấn luyện để phối giống trực tiếp trâu cái địa phương nuôi trong hộ nông dân.
Kết quả, trâu đực bắt đầu nuôi ghép đàn ở giai đoạn 7-12 tháng tuổi, đến tuổi phối giống 6/6 trâu nhẩy trực tiếp trâu cái nội đạt tỷ lệ 100%. Trâu đực bắt đầu nuôi ghép đàn có tuổi cao hơn 12-24 tháng cho kết quả thấp, chỉ có ½ trâu nhẩy phối giống trực tiếp đạt tỷ lệ 50%. Các chỉ tiêu chủ yếu về chất lượng tinh dịch của trâu đực Murrah nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Chăn nuôi miền Núi có V = 2,35 – 3,51 ml/lượt xuất tinh; A = 72,21 – 73,24%; C = 0,81 – 0,83 tỷ/ml; V.A.C 1,38 – 2,09 tỷ. Tinh dịch đủ tiêu chuẩn để sản xuất tinh đông viên phục vụ cho thụ tinh nhân tạo. Tinh đông viên: A > 30%, tổng số tinh trùng tiến thẳng 12,0 – 12,5 triệu đủ tiêu chuẩn dẫn tinh. Kết quả tạo trâu lai bằng phối giống nhân tạo: phối giống bằng tinh đông viên với 176 lần dẫn tinh có 58 lần thụ thai đạt 33,7%. Phối giống bằng tinh lỏng với 46 lần dẫn tinh có 18 lần thụ thai đạt 39,1%. Cho trâu đực Murrah nhẩy trực tiếp trâu cái nội với 69 lần nhẩy phối giống thì 50 lần thụ thai đạt 72,5%. Trâu lai F1 có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện chăn nuôi nông thôn. Khối lượng trâu lai lúc sơ sinh đạt 28,5 kg ở con đực, 27,6 kg ở con cái. Cao hơn so với trâu địa phương 31,94% và 41,53% (con đực đạt 21,6 kg, con cái đạt 19,5 kg). Lúc 36 tháng tuổi, trâu lai đạt 367,8 kg ở con đực, 353,1 kg ở con cái. Trong khi đó, trâu địa phương là 286,1 kg ở trâu đực và 267,1 kg ở trâu cái. Chênh lệch giữa trâu lai với trâu địa phương là 28,56% và 32,14%. Sinh trưởng tuyệt đối ở giai đoạn từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi ở trâu lai F1 đạt là 314,2g/ngày ở con đực, 301,4g/ngày ở con cái; sinh trưởng tuyệt đối trâu địa phương đạt 244,9g/ngày ở con đực, 229,3g/ngày ở con cái. Kích thước một số chiều đo của trâu lai F1 cao hơn trâu địa phương ở tất cả các thời điểm khảo sát, lúc 36 tháng tuổi trâu lai F1 có kích thước các chiều: CV, VN, DTC, CK, VO tương ứng là 122,5; 133,4; 174,5; 123,5 và 21,6 cm ở trâu đực; 120,4; 129,8; 170,6; 123,4 và 19,1 cm ở trâu cái. Các chỉ số cấu tạo thể hình chủ yếu của trâu lai F1 thay đổi theo tuổi phù hợp với quy luật phát triển chung của gia súc.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 9/2008)