Nghiên cứu thành phần loài cá san hô vịnh Phan Thiết – tỉnh Bình Thuận
25/03/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do GS.TS Vũ Trung Tạng và tác giả Nguyễn Thành Nam (Trường ĐH KH Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội) thực hiện nghiên cứu về thành phần loài cá san hô tại vùng vịnh Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, hệ sinh thái rạn san hô là một trong những hệ sinh thái không chỉ có sức sản xuất cao mà còn có mức độ đa dạng sinh học vào bậc nhất. Với đặc trưng riêng của mình, rạn san hô là nơi nuôi sống và che chở cho hàng ngàn sinh vật biển, trong đó cá và động vật đáy là hai nhóm có ý nghĩa quan trọng nhất. Ở vùng biển nước ta, đặc biệt từ vĩ tuyến 16 trở vào, san hô phát triển mạnh tạo thành những hệ sinh thái san hô rất đa dạng. Qua hai đợt thu mẫu vào tháng 9/2006 và tháng 2/2007 bằng nhiều loại thuyền khác nhau và nhiều loại nghề khai thác khác nhau ở vùng vịnh Phan Thiết, nhóm tác giả đã xác định được 119 loài cá san hô thuộc 96 giống, 54 họ và 12 bộ với mức độ đa dạng rất cao về bậc bộ và bậc họ. Bộ cá chiếm ưu thế tuyệt đối ở tất cả các bậc phân loại là bộ cá Vược (Perciformes) với họ giàu loài nhất là họ các Nục (Carangidae). Trung bình mỗi bộ có 4,5 họ, 8,0 giống và 9,9 loài; 9 bộ (75% tổng số bộ) chỉ có 1 hoặc 2 họ và 7 bộ (58,33%) chỉ có 1 hoặc 2 loài. Mỗi họ trung bình có 1,8 giống và 2,2 loài và 38 họ (70,37% tổng số họ) chỉ có 1 hoặc 2 loài. Các loài cá san hô ở vịnh Phan Thiết có đại diện thuộc hầu hết các họ cá san hô điển hình, chỉ trừ họ Zanclidae. Trong tổng số 119 loài cá san hô xác định được, 68 loài có ý nghĩa kinh tế (chiếm 57,14%) trong đó 44 loài là những loài cá thương phẩm có giá trị cao và 26 loài có giá trị làm cảnh. Nghiên cứu này đã bổ sung cho danh lục cá san hô Việt Nam của Nguyễn Nhật Thi và Nguyễn Văn Quân (2005) thêm 24 loài.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 7/2008)