Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm đang thu hút nhiều quan tâm do xuất hiện ngày càng nhiều vụ ngộ độc mà nguyên nhân từ thực phẩm bị nhiễm độc. Trong đó, ngộ độc do nhiễm nội độc tố có khả năng gây độc cao hơn các loại khác là ochratoxin A (OTA) và aflatoxin B1 (AFB1). Theo phân loại IARC, AFB1 thuộc nhóm gây ung thư nhóm 1, độc tính trên gan, mật; OTA được xếp vào nhóm 2B có khả năng gây ung thư cho người và động vật.
Cà phê vốn là loại thức uống rất thông dụng và được yêu thích do có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng lại bị phát hiện có thể gây ngộ độc do nội độc tố chính là OTA. Ở Thái Lan, năm 2000, khi khi phân tích 128 mẫu cà phê, đã phát hiện có 44,29% mẫu bị nhiễm OTA. Nghiên cứu của llic và CS năm 2007 trên hạt cà phê Robusta của Việt Nam cũng phát hiện nhiều mẫu nhiễm OTA. Tuy nhiên, những nghiên cứu về AFB1 trên cà phê vẫn còn hạn chế, mặc dù đây là độc tố độc tính cao và khá phổ biến. Đồng thời đến nay vẫn chưa có các nghiên cứu phân tích đồng thời OTA và AFB1 trên hạt cà phê ở Việt Nam.
Để kiểm soát mức độ nhiễm các nội độc tố này, có nhiều phương pháp phân tích từ đơn giản đến hiện đại như miễn dịch liên kết enzym (ELISA), sắc ký lỏng ghép nối với đầu dò huỳnh quang (LC-FD) hay đầu dò khối phổ LC-MS/MS. Trong đó, phương pháp LC-MS/MS được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực phân tích vết của các nội độc tố, cho phép phân tích đồng thời nhiều thành phần với độ nhạy, độ chính xác cao. Do đó, việc phát triển phương pháp LC-MS/MS phân tích đồng thời 2 loại độc tố phổ biến, có độc tính cao OTA và AFB1 trong cà phê là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.
Nhóm tác giả lựa chọn kỹ thuật sắc ký pha đảo được khảo sát với hệ thống dung môi bao gồm acetonitril, methanol, nước có thêm hoặc không thêm chất điều chỉnh pH, lựa chọn chế độ đẳng dòng hay gradient để khảo sát điều kiện sắc ký tối ưu để phân tách các chất. Sau khi tìm được điều kiện khối phổ và điều kiện sắc ký tối ưu sẽ tiến hành khảo sát quy trình chiết thích hợp và thẩm định phương pháp bao gồm khảo sát tính phù hợp của hệ thống, tính đặc hiệu, giới hạn phát hiện (LOD) và giới hạn định lượng (LOQ). Quy trình phân tích đã thẩm định sẽ được áp dụng xác định các nội độc tố OTA và AFB1 có trong 30 mẫu cà phê nguyên liệu.
Nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình định lượng đồng thời 2 loại độc tố phổ biến và độc tính cao bằng phương pháp LC-MS/MS. Quy trình phân tích có tính chọn lọc, chính xác và tin cậy cao. Kết quả phát hiện, trong 30 mẫu nguyên liệu có 2 mẫu có lượng OTA và 1 mẫu có lượng AFB1 vuợt mức cho phép. Các mẫu dương tính khác nằm trong giới hạn cho phép.
Đây là các nội dung từ bài viết “Nghiên cứu xây dựng quy trình định lượng ochratoxin A và aflatoxin B1 trong hạt cà phê bằng phương pháp LC-MS/MS”, đăng trên Tạp chí Dược học, số 517, năm 2019 vừa được bổ sung vào kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI).
Trong tài liệu này, còn 19 nội dung nghiên cứu đáng chú ý khác về lĩnh vực Y dược, như:
- Tổng quan về phương pháp chuyển gen trong gen trị liệu bệnh ung thư
- Nghiên cứu xây dựng mô hình QSAR nhị phân và Pharmacophore trên các chất ức chế cytochrom P450 CYP 2D6
- Nghiên cứu khả năng gắn kết và tương tác của các hợp chất tự nhiên trên một số thụ thể kháng sốt rét
- Đánh giá hiệu quả can thiệp của chương trình quản lý kháng sinh với fosfomycin truyền tĩnh mạch tại Bệnh viện Thanh Nhàn
- Khuyến cáo sử dụng thuốc chống rối loạn tâm thần ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan
- Phân tích chi phí điều trị nội trú bệnh hemophilia A tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
- Bước đầu nghiên cứu bào chế màng propranolol dính niêm mạc miệng
- Xây dựng và thẩm định phương pháp định lượng phosphatidyl cholin bằng HPLC
- Xây dựng phương pháp LC-MS/MS phân tích lisinopril trong huyết tương người và ứng dụng trong nghiên cứu tương đương sinh học
- Tinh chế terazosin làm nguyên liệu thiết lập chất chuẩn
- Nghiên cứu xây dựng quy trình định lượng butyl hydroxytoluen chế phẩm có chứa dầu mù u bằng phương pháp HPLC
- Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính chống oxy hóa in vitro của các cao chiết từ lá tía tô thu hái tại các địa điểm khác nhau
- Đặc điểm hình thái thực vật và ba hợp chất lignan phân lập từ loài dó đất (Balanophora fungosa subsp. indica (Arnott.) B.Hansen) thu tại Sapa, tỉnh Lào Cai
- Phức hợp resinat phương pháp bào chế và đánh giá
- Nghiên cứu quy trình chiết xuất 6-O-benzoylarbutin từ lá cây cù đề (Breynia vitis-idaea (Burm. f.) C. E. C. Fischer)
- Nghiên cứu phát hiện các thuốc chống dị ứng trộn trái phép trong chế phẩm Đông dược bằng LC-MS/MS
- Xây dựng quy trình định lượng paeoniflorin trong xích thược bằng phương pháp HPLC-PDA
- Nghiên cứu ứng dụng phương pháp LC-MS/MS xác định dư lượng kháng sinh doxycyclin và oxytetrcyclin trong nước thải chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản
- Xây dựng và thẩm định phương pháp định lượng diosgenin bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao (HPTLC)
Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.