Nghiên cứu mới về dược liệu dâu tằm
Đề tài nghiên cứu một cách hệ thống về dược liệu dâu tằm và chế phẩm dùng làm thuốc từ dâu tằm, được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu tháng 9/2018.
PGS.TS Huỳnh Ngọc Thụy (chủ nhiệm đề tài) cho biết, dâu tằm (Morus alba L.) là cây thuốc quen thuộc trong dân gian với nhiều công dụng quý như trị ho hen, trừ đàm, bổ gan, thận, kháng khuẩn, kháng viêm, an thần nhẹ, hạ huyết áp, giảm mỡ trong máu ngăn ngừa xơ vữa động mạch,… Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, dâu tằm có tác dụng ức chế α-glucosidase giúp hạ đường huyết, là một dược liệu rất tiềm năng trong việc phòng và hỗ trợ trị bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, hiện trong nước chưa có nghiên cứu nào sử dụng dâu tằm làm thuốc phòng chống, hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.
Với hướng đi mới này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát sàng lọc sinh học trên mô hình ức chế alpha α-glucosidase và chứng minh được tác dụng của cây dâu tằm trồng tại một số tỉnh của Việt Nam cho kết quả tốt; chọn lựa được bộ phận sử dụng, thời gian thu hái sao cho hàm lượng hoạt chất cao và tác dụng ức chế mạnh; khảo sát lựa chọn dung môi chiết và các điều kiện chiết để cao chiết chưa hàm lượng hoạt chất cao, có tác dụng mạnh nhất. Từ đó, đưa ra quy trình chiết tạo cao tối ưu, có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh đái tháo đường.
Cụ thể, đề tài đã xây dựng và ứng dụng 2 quy trình định lượng hoạt chất trong nguyên liệu và cao chiết dâu tằm. Kết quả cho thấy, 2 chất oxy-trans-resveratrol (MA-4) và moracin M (MA-1) trong cao dược liệu có tác dụng ức chế α-glucosidase rất mạnh. Tác dụng ức chế α-glucosidase của các mẫu dâu tằm có sự thay đổi tùy vùng thu hái và thời điểm thu hái trong năm. Bộ phận có tác dụng mạnh nhất là rễ. Các mẫu cây dâu tằm được thu hái ở khu vực miền Trung thường có tác dụng cao hơn khu vực Tây Nguyên hay Nam Bộ, đặc biệt là mẫu thu hái tại Bình Định vào tháng 3.
Cao chiết dâu tằm được định lượng, với kết quả trong 100 mg cao rễ chứa 0,456 mg MA-4, 0,172 mg MA-1 với IC50 (nồng độ tối thiểu gây ức chế) tương ứng là 2,407µg/ml; 100 mg cao thân chứa 0,634 mg MA-4 và 0,281 mg MA-1, với IC50 là 1,013 µg/ml. Cao cồn rễ lưu trữ trong vòng một năm, hàm lượng hoạt chất không giảm nhiều, tác dụng cũng chỉ giảm ít (MA-4 giảm 20%, MA-1 giảm 13%). Điều kiện bảo quản nên để ở nơi mát, tránh ánh sáng, đóng gói kỹ. Cao chiết đáp ứng các tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam. Đồng thời, nhóm nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho cao chiết làm thuốc từ dâu tằm, hướng tác dụng hỗ trợ bệnh nhân đái tháo đường (cao hơn tiêu chuẩn bắt buộc của Dược điển Việt Nam) nên có thể bảo đảm hiệu quả hỗ trợ trị bệnh.
Tiềm năm ứng dụng sản xuất thuốc
Theo PGS.TS Huỳnh Ngọc Thụy, kết quả đề tài có khả năng áp dụng thực tế rất cao, không chỉ dùng để sản xuất thuốc điều trị và điều hòa đường huyết, mà còn cung cấp quy trình kiểm nghiệm và các tiêu chuẩn về thuốc.
Hiện tại, trên thị trường có nhiều sản phẩm hỗ trợ tiểu đường như dược liệu dây thìa canh, cao chiết khổ qua, cà rốt, hoài sơn, nấm linh chi, các loại thảo dược giúp kích thích cơ chế tự nhiên đưa đến sự cân bằng đường trong cơ thể,... Tuy nhiên, những chế phẩm dược liệu này thường dùng kèm với thuốc nguồn gốc hóa dược hoặc sau đợt điều trị, hỗ trợ việc ổn định đường huyết của bệnh nhân. Các sản phẩm này mới chỉ ghi nhận tác dụng trên từng dược liệu riêng lẻ mà chưa có nghiên cứu và kiểm chứng chính thức, chỉ được xem như những thực phẩm chức năng chứ chưa phải là thuốc.
Đề tài, với cơ sở thực hiện là các phòng thí nghiệm của trường đại học, viện kiểm nghiệm thuốc nên có mức độ chính xác và độ tin cậy cao, có đội ngũ nhà khoa học giàu kinh nghiệm, ứng dụng các kỹ thuật chiết tách mới, trang thiết bị máy móc hiện đại,… nên có kết quả nghiên cứu tốt. Sản phẩm cao định chuẩn đã được điều chế với quy trình ổn định về mặt chất lượng, được xác định có tác dụng ổn định đường huyết, cho phép chủ động sản xuất trong nước, góp thêm mặt hàng thuốc chữa bệnh từ dược liệu với chất lượng tốt, lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh thực phẩm chức năng kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường.
Bệnh đái tháo đường có tỷ lệ mắc bệnh đang tăng rất nhanh ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu mong muốn chuyển giao kết quả đề tài cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc, các xí nghiệp dược sản xuất thuốc để sớm đưa vào sản xuất đại trà, mang lại hiệu quả điều trị cao và tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Sản phẩm có thể bào chế dưới nhiều dạng khác nhau (theo hướng hiện đại, tiện dụng) như trà hòa tan, viên nén, viêng nang mềm, viên nang cứng,…giá cả ước tính khi sản xuất đại trà khoảng 40-50 đồng/viên (dùng ngày 1 viên).
Tuy nhiên, để đưa vào sản xuất rộng rãi, cần nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất, đồng thời, quy hoạch và phát triển vùng trồng dược liệu (dâu tằm) để đảm bảo nguồn nguyên liệu có năng suất và chất lượng, tạo thêm việc làm cho người lao động; chuyển giao quy trình, tiêu chuẩn kiểm nghiệm cho Hội đồng Dược điển Việt Nam.
Lam Vân (CESTI)