Nuôi cấy thành công trai nước ngọt tại Ninh Bình
24/03/2018
KH&CN trong nước
Với mục tiêu phát triển ngành nghề thủy sản mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc Pearl đã được Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình hỗ trợ thực hiện đề tài "Áp dụng kỹ thuật xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình". Đề tài đã đạt kết quả xuất sắc sau 2 năm thực hiện.
Nuôi trai lấy ngọc là một nghề mang lại lợi ích kinh tế cao. Tuy có nguồn nguyên liệu dồi dào và chất lượng tốt, nhưng ở Việt Nam, nghề nuôi trai lấy ngọc vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của nó. Với hơn 22.436 ha diện tích mặt nước (ao hồ, ruộng trũng…) là điều kiện thuận lợi để tỉnh Ninh Bình phát triển nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, tạo ra sản phẩm phục vụ cho thị trường cũng như tạo lập thương hiệu du lịch riêng của tỉnh.
Đề tài (được đăng trên Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, số 6/2017) được thực nghiệm tại xã Khánh Lợi (huyện Yên Khánh) với tổng diện tích ao nuôi 2 ha, trong đó, ao nuôi tự có của doanh nghiệp là 0,8 ha và ao thuê của một hộ dân là 1,2 ha. Trải qua các thí nghiệm lựa chọn độ tuổi, nghiên cứu lai tạo mô tế bào, hai loài trai xanh cánh mỏng và trai đồng cho kết quả tốt nhất với tỷ lệ ngậm ngọc cao, tốc độ phủ ngọc nhanh và màu sắc đa dạng. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng bể xi măng nuôi dưỡng trai cấy do có những đặc tính ưu việt như: chủ động được việc thay đổi nguồn nước, điều tiết nguồn thức ăn theo định lượng và thời gian, hạn chế việc trai tiếp xúc trực tiếp với bùn, giảm thiểu sự vận động co đạp của trai...
Kết quả cho thấy, trong tổng số 40.000 con trai nuôi của đề tài, có 23.200 con sống sót, chiếm tỷ lệ lên tới 58%; số lượng ngọc thu được đạt 41.000 viên. Ngoài ra, do trai được nuôi tại tầng đáy ao nên có thể kết hợp nuôi chung với các loại thủy sản khác. Đây sẽ là một nghề tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn tại địa phương, chuyển đổi thành hàng hóa có giá trị cao, tạo công ăn việc làm cho người lao động.