Thành phần protein và hydrat-cacbon của một số giống cỏ họ Hòa thảo theo hệ thống Cornell
20/08/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Nguyễn Nhựt Xuân Dung, Ngô Minh Sương (Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp & SHUD, Trường Đại học Cần Thơ) và Lưu Hữu Mãnh (Bộ môn Thú y, Khoa Nông nghiệp & SHUD, Đại học Cần Thơ) thực hiện nghiên cứu xác định các thành phần protein và hydrat-cacbon theo hệ thống protein và hydrat-cacbon thuần của Cornell trên một số giống cỏ họ Hòa thảo trồng cho gia súc nhai lại ở đồng bằng sông Cửu Long để ước tính chất hữu cơ và protein tiêu hóa.
Hệ thống hydrat–cacbon và protein thuần của Cornell (CNCPS) là hệ thống đánh giá thức ăn chăn nuôi được phát triển dựa vào kiến thức về thành phần hóa học của thức ăn, mức tiêu hóa và trao đổi để ước tính và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, sử dụng thức ăn và sự tăng trưởng của vật nuôi.
Nghiên cứu này được thực hiện trên 5 giống cỏ họ Hòa thảo là cỏ sả (Panicum maximum), cỏ voi (Pennisetum purpureum), cỏ lông tây (Brachiaria mutica), cỏ ruzi (Brachiaria ruziziensis) và cỏ paspalum (Paspalum atratum), cây trồng không áp dụng phân bón hóa học. Áp dụng hệ thống hydrat-cacbon và protein thuần của Cornell, protein được phân chia ra làm 5 thành phần là A, B1, B2, B3 và C và hydrat-cacbon làm 4 thành phần là A, B1, B2 và C. Tỷ lệ tiêu hóa của chất hữu cơ (IVOMD) và protein (IVCPD) được xác định bằng phương pháp in vitro.
Kết quả cho thấy, hàm lượng hydrat-cacbon tổng số của các giống cỏ trung bình là 74,84%, trong đó thành phần A, B1, B2 và C lần lượt là 17,63%, 8,42%, 61,61% và 12,35% tổng số hydrat-cacbon. Hàm lượng protein của cỏ trung bình là 9,4%, trong đó thành phần A, B1, B2, B3 và C lần lượt là 3,12%, 0,35%, 4,23%, 1,82% và 0,48% protein thô. Các thành phần protein và hydrat-cacbon có thể được áp dụng để ước tính chất hữu cơ tiêu hóa và protein tiêu hóa. Để xác định tốc độ phân giải của các thành phần protein cần nhiều nghiên cứu được thực hiện trên gia súc nhai lại.
MN (nguồn: Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, số 3+4/2014)