Đặc điểm dịch tễ học – vi sinh học bệnh tay chân miệng tại khu vực phía Nam, 2008-2010
29/09/2011
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ Y tế), Đỗ Kiến Quốc, Nguyễn Thị Thanh Thảo (Viện Pasteur TP.HCM) thực hiện nhằm mô tả đặc điểm dịch tễ học,vi sinh học bệnh tay chân miệng tại khu vực phía Nam.
Nghiên cứu tiến hành với hàng loạt ca được thực hiện tại 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam.
Theo đó, từ 2008-2010, số ca mắc bệnh tay chân miệng trung bình tại khu vực phía Nam là 10.000 ca/năm, với tỷ suất chết/mắc là 0,2%. Bệnh tăng cao vào các tháng cuối năm (từ 9-11) và lưu hành phổ biến tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Bệnh xuất hiện nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi (78,29%) và nam có tỷ lệ mắc nhiều hơn nữ (61,43%). Các dấu hiệu triệu chứng thường gặp là sốt (61,14%), bóng nước ở bàn tay, bàn chân và vùng quanh hậu môn (48,29%) và giật mình (22,29%). Trong số 350 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, 216 (61,71%) trường hợp xác định được dương tính với các tác nhân vi rút đường ruột bao gồm EV71 (22%, 77/216) và các EV khác như Coxackie Ấ, Echo… (chiếm 39,71%, 139/216). Cần ưu tiên tập trung nguồn lực tiến hành các biện pháp xử lý và phòng chống dịch bệnh; xác định các phân típ của EV và EV71 để góp phần lý giải cho sự khác biệt mô hình bệnh tay chân miệng tại khu vực phía Nam với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á; triển khai nghiên cứu xác định chu kỳ dịch và các yếu tố nguy cơ góp phần lây lan dịch trong cộng đồng ở nước ta là những vấn đề cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 6-2011)