Nghiên cứu khu hệ cá hệ thống sông Ba
14/02/2011
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Nguyễn Minh Ty (Trường THPT Phan Bội Châu, Phú Yên), Hoàng Đức Đạt (Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM) thực hiện nghiên cứu khu hệ cá hệ thống sông Ba góp phần cho sự phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản và bảo tồn tính đa dạng sinh học của các loài sinh vật ở sông Ba.
Các tác giả nghiên cứu thực địa từ đầu nguồn đến cửa sông với 17 trạm thu mẫu thuộc 4 tỉnh Phú Yên, Đăk Lăk, Gia Lai va Kon Tum. Kết quả đã xác định được 182 loài cá thuộc 111 giống, 55 họ, 15 bộ khác nhau, trong đó có 11 loài di nhập, 171 loài có tại hệ thống sông Ba. Có 65 loài cá có nguồn gốc nước lợ - mặn, 117 loài nguồn gốc nước ngọt. Bộ cá chép (Cypriniformes) với 3 họ, 30 giống có số lượng loài nhiều nhất với 66 loài (36,26%), tiếp đến là bộ cá vược (Perciformes) với 20 họ, 34 giống và 54 loài (29,67%), bộ cá nheo (Siluriformes) với 9 họ, 14 giống có 23 loài (12,63%), bộ cá chình (Anguiliformes) với 6 họ, 8 giống, có 10 loài (5,50%). Họ có số loài chiếm ưu thế nhất là họ cá chép (Cyprinidae) với 59 loài. Các bộ còn lại mỗi bộ có từ 1-5 loài. Khu hệ cá sông Ba có 11 loài nằm trong danh lục Sách Đỏ Việt Nam (2007), trong đó có 10 loài ở mức nguy cấp VU, 1 loài ở mức nguy cấp EN. Có 2 loài đặc hữu miền Trung là cá Dầy Cyprinus centralus và cá mương Hemiculter krempfi. Có 32 lài cá kinh tế là đối tượng khai thác chính cho sản lượng cao. Có 41 loài cá có thể thuần hóa làm cá cảnh và các loài ăn ấu trùng muỗi, các côn trùng có hại góp phần chống thiên địch.
Nhóm tác giả kiến nghị xây dựng sông Ba thành khu bảo tồn thủy sản vùng nước nội địa quốc gia, xây dựng các đường dẫn cá trên các đập thủy điện, thủy lợi trên hệ thống sông Ba. Kiểm soát các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp gây ô nhiễm trong hệ thống sông, đẩy mạnh việc giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học đối với cộng đồng ngư dân đánh bắt khai thác cá…
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 9/2010)