Đánh giá khả năng đối kháng và hiệu quả phòng trị của nấm trichoderma đối với một số nấm bệnh chính trên cây cao su
07/10/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do PGS.TS. Phạm Văn Dư (Cục Trồng trọt), các tác giả Trần Ánh Pha, Phan Thành Dũng, Nguyễn Ngọc Mai, Nguyễn Đôn Hiệu (Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam) thực hiện nghiên cứu, đánh giá khả năng đối kháng, ức chế và hiệu quả phòng trị bệnh của nấm Trichoderma đối với một số nấm bệnh chính trên cây cao su.
Theo đó, nhóm tác giả đã thu thập và phân lập được 24 mẫu nguồn nấm Trichoderma đưa vào khảo nghiệm khả năng ức chế và đối kháng với 5 nấm bệnh trên cây cao su. Các mẫu nấm Trichoderma thử nghiệm có khả năng ức chế đối với các nấm C. salmonicolor, P. palmivora, C. gloeosporioides khá cao, phần lớn >70%, trong đó có nhiều dòng tỷ lệ ức chế >80%. Đối với nấm B. theobromae và C. cassiicola chỉ có vài dòng có tỷ lệ ức chế >70%. Có 6 mẫu nấm Trichoderma đối kháng mạnh với nấm C. salmonicolor, 1 mẫu đối kháng mạnh với nấm B. theobromae, 15 mẫu đối kháng mạnh với C. gloeosporioides, 20 mẫu đối kháng mạnh với P. palmivora và 5 mẫu đối kháng mạnh với C. cassiicola. Ngoài đồng ruộng, hầu hết ở các nghiệm thức xử lý nấm Trichoderma đều có tỷ lệ bệnh giảm ít hoặc không giảm so với ban đầu và so với nghiệm thức đối chứng, nhìn chung chỉ số bệnh giảm nhiều hơn so với tỷ lệ bệnh. Như vậy, hầu hết nấm Trichoderma không gây chết hoàn toàn như nấm bệnh mà chỉ ức chế sự sinh trưởng và phát triển của nấm bệnh. Nhóm tác giả đề nghị tiếp tục nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả phòng trị bệnh của các mẫu nấm có tiềm năng và nghiên cứu thêm đối với các nguồn nấm Trichoderma mới. Nghiên cứu khai thác tiềm năng phòng trị các bệnh lá trên cây cao su bằng chiết xuất các chất từ nấm Trichoderma làm nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Nghiên cứu để khai thác tiềm năng phòng trị bệnh nấm hồng và loét sọc mặt cạo trên cây cao su bằng phương pháp sản xuất chế phẩm nấm để sử dụng trực tiếp và chiết xuất các chất từ nấm Trichoderma làm nguyên liệu.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 10/2008)