Vừa qua, Sở KH&CN Bắc Ninh đã phối hợp với ngành nông nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố triển khai 11 đề tài, dự án ứng dụng các tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp thâm canh mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Các giải pháp tăng diện tích lúa lai, lúa chất lượng được áp dụng rộng rãi góp phần giải quyết vấn đề an toàn lương thực trong điều kiện đất canh tác giảm do phát triển công nghiệp và đô thị. Đã triển khai 5 đề tài khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất hơn 40 giống lúa lai, 10 giống lúa thuần, để lựa chọn các giống lúa có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Xây dựng mô hình vùng sản xuất giống lúa mới (PC6, XT27) với quy mô 50 ha ở Gia Bình, kết hợp sử dụng công cụ bón và phân bón đa vi lượng, công cụ gieo rải hàng cho năng suất 65-70 tạ/ha.
Dự án nghiên cứu chuyển giao một số giống lúa mới năng suất, chất lượng tốt, sạch sâu bệnh (XT28, X33) với quy mô 100 ha tại các xã Việt Đoàn, Phật Tích (Tiên Du) cho năng suất tăng so giống cũ 8-10%, giá lúa tăng 20-25%, lợi nhuận tăng 1-2 triệu đồng/ha, khả năng kháng các loại sâu bệnh tốt, giảm tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu.
Khảo nghiệm giống lúa Tám xoan đột biến TĐB06 với quy mô 50 ha tại các huyện Yên Phong, Quế Võ, Gia Bình, Thuận Thành đã bước đầu đánh giá khả năng thích ứng, xây dựng được quy trình thâm canh và nhân rộng diện tích giống Tám xoan đột biến TĐB 06 trên địa bàn tỉnh, cho NS 65-70tạ/ha, chất lượng gạo cao.
Việc nghiên cứu cải tạo và phục tráng giống nếp cái hoa trắng phục vụ sản xuất năm 2010 đã tiến hành trên diện tích 500m2. Công tác khảo nghiệm đã lựa chọn được một số giống mới bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.
Trong chăn nuôi, thủy sản tiếp tục triển khai các tiến bộ kỹ thuật về giống gia súc, gia cầm, thủy sản như: mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm giống cá chép lai, rô phi đơn tính, cá trê đồng... cung cấp cho sản xuất. Các giống mới (lợn nạc, bò sữa, ngan Pháp, vịt siêu trứng, gà siêu trứng, cá chép lai, cá tra, cá vược, cá rô phi đơn tính…) được duy trì và mở rộng, chăn nuôi nhỏ lẻ được thay thế dần bằng hình thức chăn nuôi tập trung, phát triển kinh tế trang trại theo phương pháp công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi (giống, thức ăn, chăm sóc...) đã rút ngắn được chu kỳ nuôi, nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
TH(tchd.org.vn)