Phương pháp nghiên cứu cấu trúc và động thái của rừng thứ sinh giai đoạn phục hồi
26/11/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Bùi Chính Nghĩa (Cục Lâm nghiệp), TS. Trần Văn Con (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) thực hiện nhằm xác định diện tích tối thiểu của ô tiêu chuẩn để đại diện cho đối tượng rừng phục hồi sau khai thác kiệt ở vùng Tây Bắc; xác định chỉ tiêu lâm học có thể dùng để phân biệt các pha diễn trong giai đoạn 10 năm đầu của rừng thứ sinh phục hồi sau khai thác kiệt.
Bằng phương pháp biểu đồ tương quan giữa diện tích điều tra và số loài, đã xác định diện tích ô tiêu chuẩn điều tra đảm bảo đại diện cho đối tượng nghiên cứu là từ 900-1250 m
2/ô. Tỷ lệ hỗn loài là một trong những chỉ tiêu phản ánh tính đa dạng về loài của quần thụ thực vật rừng; trong đó tỷ lệ hỗn loài của nhóm loài có độ nhiều tương đối > 5% thay đổi rất nhanh trong giai đoạn đầu của diễn thế thứ sinh rừng phục hồi sau khai thác kiệt. Rừng phục hồi từ 1-3 năm đầu có hệ số hỗn loài HL2 rất lớn đạt bình quân 1/5 (tức là cứ mỗi 5 cá thể thì có một loài) và không có sự khác biệt lớn với HL1. Bắt đầu từ tuổi 4 tỷ lệ HL2 giảm rất nhanh và phân biệt khác hẳn với tỷ lệ HL1. Mãi đến tuổi thứ 7 trở lên, tỷ lệ HL2 lại tăng lên chứng tỏ số loài có độ nhiều tương đối > 5% bắt đầu tăng lên. Như vậy tỷ lệ HL2 là một chỉ tiêu lâm học có thể dùng để phân biệt các pha diễn thế của rừng phục hồi trong giai đoạn 10 năm đầu vì nó phản ánh sự thay đổi mạnh trong cấu trúc quần thể của quần thụ rừng phục hồi. Với tỷ lệ HL2, có thể phân biệt 3 pha diễn thế nói lên bản chất của sự thay đổi giá trị quan trọng của các loài theo 3 nhóm: nhóm các loài tiên phong ưa sáng, nhóm các loài trung tính và nhóm các loài chịu bóng giai đoạn đầu.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 10/2008)