Bến Tre: Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học trên địa bàn huyện Ba Tri
17/11/2012
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trong những năm gần đây, tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường. Ba Tri là một trong những điểm nóng xảy ra dịch cúm của tỉnh Bến Tre.
Hình minh họa.
Việc đổi mới phương thức chăn nuôi gia cầm nói chung và thủy cầm nói riêng theo hướng khép kín, bền vững và an toàn sinh học là cấp bách và hết sức cần thiết. Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi vịt an toàn sinh học trên địa bàn huyện Ba Tri” với mục tiêu xây dựng các mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm, vịt đẻ thương phẩm an toàn sinh học trên địa bàn huyện Ba Tri.
Qua 24 tháng thực hiện, dự án đạt được mục tiêu, nội dung đề ra. Cụ thể, đã xây dựng và hoàn thiện 04 mô hình chăn nuôi khép kín gồm: vịt thịt-cá, vịt thịt-lúa-cá (đạt tỷ suất lợi nhuận 3,18%-6,70%/tháng so với vốn đầu tư); vịt đẻ-cá, vịt đẻ-lúa-cá (đạt tỷ suất lợi nhuận 1,62-2,41%/tháng so với vốn đầu tư) theo hướng an toàn sinh học với 12 điểm trình diễn (quy mô 500 con/điểm). Ngoài ra, thông qua dự án đã đào tạo 12 cán bộ địa phương, 40 hộ nông dân thành thạo quy trình công nghệ chăn nuôi vịt an toàn sinh học. Sau khi kết thúc dự án, các cán bộ được đào tạo đủ khả năng chuyển giao quy trình kỹ thuật cho người dân.
Dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế, môi trường. Từ đó giúp người dân thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống trước kia, bằng cách áp dụng biện pháp an toàn sinh học có thể bảo vệ đàn vật nuôi khỏi nguy cơ xâm nhập của một số bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm H5N1. Dự án vừa được Hội đồng KH&CN nghiệm thu.
LV (nguồn: TC Hoạt động KH, 11/2012)