Thống kê đa dạng sinh học ở TP.HCM và định hướng công tác bảo tồn
14/06/2012
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Phạm Văn Miên (Viện Khoa học Môi trường và Phát triển), Nguyễn Thị Mai Linh, Phạm Anh Đức (Khoa Môi trường và Bảo hộ Lao động – Đại học Tôn Đức Thắng) thực hiện thống kê, đánh giá tương đối đầy đủ tính đa dạng của các nhóm sinh vật phổ biến ở TP.HCM, và định hướng kế hoạch bảo tồn.
Trên cơ sở thu thập thống kê, khảo sát bổ sung và tu chỉnh các dẫn liệu đã có theo luật danh pháp mới nhất, đã lập ra một danh mục thành phần loài các nhóm sinh vật gồm: tảo – 569 loài, thực vật thuỷ sinh và ven bờ - 450 loài, thực vật bậc cao có mạch mọc hoang – 575 loài, động vật không xương sống – 668 loài, cá – 173 loài, lưỡng cư – 14 loài, bò sát – 60 loài, chim – 142 loài, thú – 41 loài. Đây cũng có thể được xem là danh mục thành phần loài hệ động - thực vật ở TP.HCM đầy đủ và chính xác nhất về mặt phân loại học và danh pháp. Trong đó, có 10 loài cá, 17 loài bò sát, 2 loài chim và 9 loài thú quý, hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, sách đỏ IUCN, Nghị định 48/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ hoặc Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Một số định hướng kế hoạch bảo tồn được đề xuất cụ thể như sau: ưu tiên hàng đầu là kiểm soát tác động đến đa dạng sinh học đến Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến khu rừng ẩm nhiệt đới Củ Chi, khu bảo tồn rừng Tràm Phạm Văn Hai. Xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ở sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông nhánh. Cần tiếp tục nghiên cứu, thống kê, đánh giá tính đa dạng sinh học ở TP.HCM về thực vật, động vật, vi sinh vật, nấm,... đặc biệt là các nhóm chưa được nghiên cứu hoặc nghiên cứu chưa đầy đủ. Lập cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của TP.HCM. Xây dựng các quy chế khai thác bền vững các tài nguyên lâm nghiệp, ngư nghiệp, cây con dược liệu ở tự nhiên. Kiểm soát chặt chẽ các quy định về buôn bán nội địa và quốc tế các loài hoang dã, đang có nguy cơ tuyệt chủng theo nội dung của công ước CITES…
LV (nguồn: Kỷ yếu HTKH ĐH Tôn Đức Thắng, 5/2012)