Sử dụng tinh bột gạo chế tạo gốm oxyt nhôm
21/02/2012
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm nghiên cứu gồm Nguyễn Văn Dũng (Trường Đại học bách khoa Đà Nẵng), Võ Đình Đình Vũ (Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu chi nhánh miền Trung), Tạ Văn Khoa (Viện công nghệ), đã nghiên cứu chế tạo gốm oxyt nhôm theo phương pháp đổ rót đóng rắn nhờ tinh bột (SCC), là phương pháp tạo hình đang được chú ý phát triển, do tinh bột thân thiện với môi trường, dễ cháy trong quá trình nung và giá rẻ.
Gốm oxyt nhôm là loại gốm đơn oxyt với nhiều tính chất kỹ thuật ưu việt như độ chịu lửa, độ bền cơ lý hóa rất cao, cách nhiệt tốt và trơ về mặt hóa học. Gốm oxyt nhôm được sử dụng rất nhiều trong kỹ thuật, công nghiệp cũng như trong y sinh.
Qua nghiên cứu sử dụng tinh bột gạo trong sản xuất gốm oxyt nhôm bằng phương pháp đổ rót đóng rắn bằng tinh bột SCC, với tỷ lệ tinh bột trong phối liệu lần lượt 5, 7, 10% thể tích, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được gốm oxyt nhôm có cường độ và độ xốp phù hợp. Với phương pháp tạo hình này, sản phẩm gốm có thể có hình dạng phức tạp (phương pháp ép không thể thực hiện được), có mật độ rất đồng đều tại tất cả các vị trí (phương pháp đổ rót trong khuôn thạch cao không thể thực hiện được), giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ các phối liệu đã thực hiện, cho thấy rằng chất đa điện giải ammonium polyacrylate đã phân tán oxyt nhôm trong nước rất tốt, giúp giảm đáng kể lượng nước tạo hình, ổn định hồ đổ rót và đồng nhất phối liệu. Tinh bột gạo có kích thước hạt nhỏ, đồng đều, có thể phân tán tốt trong phối liệu, giúp cho quá trình đổ rót đóng rắn bằng tinh bột được tốt, sản phẩm có độ sít đặc và cường độ cao. Xương gốm oxyt nhôm kết khối khá tốt ở nhiệt độ 1.570 độ C và có thể đạt độ bền uốn 174,4 MPa, đạt yêu cầu để chế tạo các chi tiết. Các lỗ xốp trong xương có hình đa diện, kích thước gần giống như hình dạng và kích thước của hạt tinh bột gạo ban đầu. Tăng hàm lượng tinh bột trong phối liệu thì độ xốp của xương gốm tăng lên.
LV (nguồn: TC Hoạt động khoa học, 12/2011)