Hải Phòng: Nghiên cứu biện pháp phòng trị hội chứng MMA trên đàn lợn
15/11/2012
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Chi cục Thú y TP. Hải Phòng vừa thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu đề xuất biện pháp phòng, trị Hội chứng viêm tử cung, viêm vú và mất sữa ở đàn lợn nái nuôi theo mô hình gia trại trên địa bàn thành phố Hải Phòng”.
Hình minh họa.
Hội chứng MMA thường xảy ra ở lợn nái sau sinh từ 12 đến 24 giờ, làm tăng tỷ lệ sảy thai, thai chết lưu, tỷ lệ lợn con nuôi sống thấp, số lợn con sinh ra/lứa giảm, trọng lượng lợn sơ sinh thấp, lợn con thường bị tiêu chảy… dẫn đến tăng chi phí về thức ăn, chẩn đoán và điều trị bệnh, gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi.
Hội chứng này khá phổ biến trên đàn lợn nái. Theo nhóm nghiên cứu, ở đàn lợn nái nuôi theo mô hình gia trại của thành phố, tỷ lệ mắc hội chứng MMA trung bình là hơn 50%. Nhóm nghiên cứu đã phân lập được 4 loại vi khuẩn trong dịch rỉ viêm của lợn nái mắc hội chứng MMA là E.Coli, Staphylococus aureus, Streptococus, Salmonella đồng thời làm kháng sinh đồ với 10 loại kháng sinh được sử dụng phổ biến trong các gia trại trên địa bàn thành phố.
Kết quả điều trị hội chứng MMA ở lợn nái đạt hiệu quả cao bằng biện pháp tiêm Oxytoxin và hoóc môn (hanprost), thụt rửa bằng dung dịch có chứa iodine bảo vệ niêm mạc, đồng thời kết hợp với điều trị toàn thân bằng kháng sinh Amoxicillin hoặc Lincomycin hoặc Enrofloxacin; thuốc bổ, hạ sốt… tiêm bắp.
Để hạn chế mắc hội chứng MMA trên đàn lợn nái nuôi tại các gia trại, nhóm nghiên cứu khuyến nghị nên áp dụng đầy đủ quy trình phòng bệnh vào thực tế chăn nuôi, các gia trai có kế hoạch loại lợn nái phù hợp từ 20 - 25%/năm. Khi lợn nái mặc hội chứng MMA thể điển hình, biện pháp khắc phục tốt nhất là ghép đàn con, loại thải lợn nái chứ không nên điều trị lợn nái.
LV (nguồn: TC Hoạt động KH, 11/2012)